Với 90% số phiếu được kiểm, lực lượng cải cách tại Iran đã giành thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội tại thủ đô Tehran với toàn bộ 30 ghế ở khu vực này. Chiến thắng tại Tehran không đồng nghĩa với việc lực lượng cải cách và ôn hòa ủng hộ Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ thắng thế ở các khu vực còn lại ở Iran. Tuy nhiên, đây là thắng lợi quan trọng bởi các nghị sĩ ở Tehran thường là những người quyết định chính sách định hướng phát triển đất nước.
Hôm 26-2 vừa qua, 55 triệu cử tri Iran đã đi bỏ phiếu để bầu ra 290 nghị sĩ ở Quốc hội và 88 thành viên trong Hội đồng chuyên gia - cơ quan quyết định ai sẽ là lãnh tụ tối cao của Tehran. Trước cuộc bầu cử lần này, cả hai cơ quan trên đều nằm trong tay của lực lượng bảo thủ phản đối chính sách mở cửa của ông Rouhani. Họ lo ngại những ảnh hưởng xấu của các quốc gia phương Tây đối với các giá trị của Iran. Thế nên, có thể nói, cuộc bầu cử lần này là lần trắc nghiệm đối với chính sách mà Tổng thống Iran đang theo đuổi. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Iran vào năm 2013, ông Rouhani luôn nhận được sự ủng hộ của phương Tây bởi Tổng thống Iran là người theo chính sách mềm dẻo. Việc phương Tây và Iran đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran kéo dài nhiều thập kỷ qua là minh chứng rõ nét nhất về sự thiện chí trong hợp tác giữa hai bên.
Đi cùng với thỏa thuận hạt nhân lịch sử này là việc Mỹ và phương Tây tháo bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với Iran khi mà kinh tế quốc gia Hồi giáo này đang trong tình trạng suy thoái trầm trọng. Thực tế, kinh tế nước này cần có sự thay đổi lớn trước khi tính đến chuyện phát triển.
Ông Rouhani kỳ vọng sự thay đổi lớn đó đến từ chính sách mở cửa. Thời gian qua, Tổng thống Iran liên tục phát đi các thông điệp kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài chọn Iran là điểm đến, đồng thời cam kết “không gây khó dễ” cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Iran. Các chuyên gia kinh tế nhận định Iran không chỉ có thế mạnh về dầu mỏ mà còn có tiềm năng lớn trong các ngành như du lịch, ô tô, hàng không... Điều này thực sự thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài nhưng họ sẽ chỉ sẵn sàng tham gia khi nhận thấy các chính sách kinh tế của Iran thực sự không làm khó và đảm bảo quyền lợi của họ.
Để lấy được lòng tin của nhà đầu tư, Tổng thống Iran phải đẩy mạnh cải cách, mở cửa hơn nữa. Một quốc hội với nhiều nghị sĩ ủng hộ cải cách sẽ giúp Tổng thống Iran thực hiện được mục tiêu của mình. Hơn nữa, hiện Tổng thống Rouhani đã đi hơn một nửa quãng đường trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Số lượng nghị sĩ ủng hộ cải cách lớn trong Quốc hội không chỉ giúp ông Rouhani thực hiện những chính sách đổi mới đang chờ đợi ở phía trước, mà còn giúp ông có được sự ủng hộ lớn cho việc tái tranh cử tổng thống vào năm 2017. Có thể nói, ngoài khía cạnh chính trị, cuộc bầu cử Quốc hội tại Iran lần này còn cho thấy khát vọng đổi mới của cử tri Iran. Rất nhiều cử tri trẻ tuổi đã chọn ông Rouhani bởi họ tin rằng trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, chỉ có mở cửa, cải cách mới đem lại cơ hội phát triển cho Iran.
ĐỖ CAO