Trong số 5 tác phẩm truyện tranh được giới trẻ quan tâm nhất vào tháng 5 vừa qua thì bất ngờ, ngoài 2 tác phẩm của Nhật (Manga), 3 tác phẩm còn lại của Việt Nam đều là những sáng tác của các họa sĩ, tác giả truyện tranh trẻ. Những tác giả trẻ mới đang gắng sức lấp đi những khuyết điểm đó của truyện tranh Việt, như ở những tác phẩm được độc giả Việt Nam đánh giá cao thời gian qua. Tác phẩm Thơ duyên thậm chí còn không có một chữ nào, chỉ thông qua tranh để chuyển tải toàn bộ ý tưởng của tác giả. Câu chuyện kỳ dị Cung trăng đang gây nên một cơn sốt trong cộng đồng yêu thích truyện tranh thuần Việt nhờ nội dung kỳ lạ, nét vẽ đẹp, sáng tạo và biết nêm nếm những tình tiết hài hước nhẹ nhàng. Những Long Thần tướng, Nhóm máu O… đều ấp ủ hướng triển khai thành những tác phẩm có nội dung phong phú, nét vẽ hiện đại.
Một điều cần nhìn nhận là dù có những cốt truyện ấn tượng, các nét vẽ mang đậm tính hiện đại nhưng vẫn còn một chặng đường dài để truyện tranh Việt thực sự thay thế được những tác phẩm nước ngoài. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận sự có mặt của các họa sĩ truyện tranh trẻ cùng các tác phẩm của họ đã đem đến một làn gió mới hay thậm chí là cả một sự thay đổi mới cho nền truyện tranh Việt.
Thực tế, truyện tranh Việt từ cái thời “minh họa cổ tích” đến nay đã trải qua nhiều thay đổi. Có thể tạm chia thành các thời kỳ như truyện có tranh minh họa kiểu Lịch sử Việt Nam bằng tranh, trong đó mỗi trang chỉ 1 - 2 khung tranh rồi đến Thần đồng đất Việt mang dáng dấp truyện tranh nhiều hơn, đồng thời khai phá mảng đề tài danh nhân. Tuy nhiên, truyện tranh Việt vẫn bị đánh giá thấp do tuyến truyện đơn giản, dù ra nhiều tập như Thần đồng đất Việt nhưng mỗi tập lại là một câu chuyện riêng biệt, ít có tính kết nối.
Bên cạnh đó, truyện tranh Việt cũng bị phê là mắc bệnh “minh họa”, truyện nhiều chữ mà lại quá ít tranh hay tranh chỉ giúp phản ánh chữ chứ không phải là công cụ truyền tải nội dung chính.
Có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng vẫn còn đó một trong những cái khó lớn cho sự phát triển của truyện tranh Việt là vốn đầu tư. Trước sức ép của truyện tranh ngoại, các nhà xuất bản, đơn vị làm sách đều khá ngại ngần với truyện tranh Việt. Biên tập viên của một nhà xuất bản lớn cho biết, so với mảng sách khác, truyện tranh là mảng sách đòi hỏi công sức, chi phí bỏ ra cao hơn rất nhiều. Bản thảo thường khá sơ sài do các họa sĩ phải tự vẽ tất cả. Để có thể in được, các nhà xuất bản phải đầu tư thêm nhiều cho phần hình ảnh. Nội dung cũng phải có sự can thiệp chỉnh sửa từ nhà xuất bản cho phù hợp với thực tế nên dễ nảy sinh mâu thuẫn, nhất là khi các tác giả phần lớn còn rất trẻ… Trong khi đó, khả năng thành công về doanh thu là khá mờ mịt.
Cũng chính vì điều này, hầu hết các bộ truyện tranh mới hiện nay đều lựa chọn hướng đi là thông qua các dự án gây quỹ cộng đồng. Các tác giả giới thiệu những nét vẽ đầu, cốt truyện, các bạn trẻ khác ủng hộ sẽ đóng góp kinh phí để thực hiện. Khi sách ra, những người đóng góp sẽ được hưởng các ưu đãi đặc biệt. Cách làm này có cái hay là tác giả được thoải mái sáng tác, không lệ thuộc các đơn vị xuất bản, làm sách. Nhưng cái dở cũng thể hiện rõ là không thể làm lâu dài, một vài tập còn được, nếu không nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị làm sách thì bộ truyện sẽ rất khó để duy trì.
Truyện tranh là một trong những mảng sách thiếu nhi quan trọng nhất hiện vẫn đang là mảnh đất của các tác phẩm nhập khẩu. Đó là một thực tế đáng buồn. Với sự phát triển của truyện tranh trong nước thời gian qua, nhiều người hy vọng, trong tương lai không xa, những tác phẩm thuần Việt sẽ thay thế truyện tranh nhập khẩu để trở thành món ăn tinh thần chính cho bạn đọc trẻ. Tương lai này gần hay xa không chỉ phụ thuộc vào các tác giả mà còn cả vào những người quản lý, các nhà tài trợ văn hóa, đơn vị làm sách.
TƯỜNG VY