Khởi nghiệp với OCOP

Rời bỏ các đô thị nhộn nhịp, những cử nhân về quê, vùng chiêm trũng, miền núi, làng biển của tỉnh Quảng Bình khởi nghiệp bằng sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân, phát triển kinh tế, giúp người dân đi lên bền vững.
Sản phẩm của Lê Thanh Triển phong phú, đa dạng, đưa các hình ảnh con rồng, cá chép, chim hạc... lên cây đũa. Ảnh: MINH PHONG
Sản phẩm của Lê Thanh Triển phong phú, đa dạng, đưa các hình ảnh con rồng, cá chép, chim hạc... lên cây đũa. Ảnh: MINH PHONG

Cùng người nghèo khởi nghiệp

Anh Lê Thanh Triển (36 tuổi) là cử nhân văn Trường Đại học Quy Nhơn, làm việc ở TPHCM 6 năm, có vị thế trong một tập đoàn lớn nhưng rời phố thị về ngôi làng Trung Thủy (xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn) lập nghiệp bằng nghề mỹ nghệ làm đũa xuất khẩu. Năm 2017 lập xưởng, tận dụng căn nhà nhỏ của bố mẹ giữa đồng quê chiêm trũng khu vực sông Gianh, Triển vay mượn hơn 800 triệu đồng đầu tư mở xưởng sản xuất đũa. Nghề làm đũa Triển học ở TPHCM, ngày đi làm, ban đêm đi học nghề với ý tưởng muốn đưa nghề đũa mỹ nghệ về quê giúp người dân thoát nghèo. Nếu các xã khác ở thị xã Ba Đồn nhiều nhà lầu, xe hơi được tậu mới thì xã Quảng Thủy là vùng trũng kinh tế. Triển nặng lòng với quê hương nên quyết định về quê cùng vợ là Hồ Ngọc Bích Nguyện (34 tuổi), một cô gái quê Tam Kỳ, Quảng Nam.

Thuận vợ thuận chồng, nghề làm đũa của Triển phát triển nhanh chóng. Anh Triển kể: “Hiện có 20 người nghèo làm việc tại xưởng, lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, thêm 50 hộ dân khác nhận hàng về gia công tại nhà, thu nhập mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, 30 công nhân thời vụ được chi trả xứng đáng từng ngày công lao động nên ai cũng phấn khởi”. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, một người làng Trung Thủy, cho biết, vùng đất này ruộng chua phèn, làm lúa không cho năng suất cao. Bà nói: “Kiếm việc làm ngày càng khó, nhờ có chú Triển đưa nghề đũa về làng nên tôi có việc làm, được đóng bảo hiểm, không phải đi xa ở trọ, mỗi tháng lương 7 triệu là niềm mơ ước của nhiều người ở đây”.

Triển cho biết, mỗi năm xưởng đũa xuất đi 63 tỉnh thành cả nước khoảng 1,5 triệu đôi đũa. Xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc chừng 100.000 đôi. Tổng doanh thu mỗi năm đạt hơn 8 tỷ đồng từ 30 sản phẩm đũa mỹ nghệ. Anh đang xin địa phương thuê đất, mở rộng nhà máy với mong muốn làng Trung Thủy sản xuất đũa mỹ nghệ, giúp người làng cùng thoát nghèo.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Sản phẩm đũa mỹ nghệ của Lê Thanh Triển đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao bởi có hơn 30 mẫu mã phong phú, tính thân thiện môi trường, tạo việc làm, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, có thị trường tiềm năng lớn. Vì vậy, cách nghĩ mong muốn cả làng cùng thoát nghèo với sản phẩm OCOP là rất có cơ sở”.

Giải quyết được mùa mất giá

Làng biển Liêm Nam (xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy), trước đây luôn gặp cảnh được mùa cá thì lại mất giá. Bà con loay hoay tìm lối ra cũng là lúc chàng trai Nguyễn Hữu Phước (28 tuổi), tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TPHCM, về quê. Được mời vào một công ty thủy sản lớn, sau 3 năm, Phước suy nghĩ, với tấm bằng đại học ngành chế biến thủy sản, anh cần về quê giúp đỡ bố mẹ và người làng.

Từ nguồn vốn vay và tiết kiệm được 900 triệu đồng, Phước mở một kho đông lạnh nhỏ theo tiêu chuẩn xây dựng sản phẩm OCOP. Làng có 30 thuyền đánh cá, năm 2019, Phước ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm đánh bắt. Với kiến thức học được, Phước chế biến mực, cá thành nhiều món, được đưa vào sản phẩm OCOP an toàn, xuất đi nhiều tỉnh thành như TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nội, khu vực Tây Nguyên. Phước kể: “Xưởng đang nhỏ nên tôi xin đất địa phương mở xưởng mới bài bản hơn, dự định sẽ có khoảng 50 công nhân vào làm việc, tăng sản lượng để bà con các làng khác có cơ hội bán hàng tốt hơn, an toàn hơn”.

Người dân thôn Trung Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình làm đũa mỹ nghệ tại cơ sở của anh Lê Thanh Triển

Người dân thôn Trung Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình làm đũa mỹ nghệ tại cơ sở của anh Lê Thanh Triển

Trong kho hàng của Phước, có các sản phẩm khá độc đáo như khô cá lóc, ếch tẩm gia vị. Hỏi ra mới biết, khi sự cố môi trường ảnh hưởng 4 tỉnh miền Trung do Formosa xả thải, các xã Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy mở lối ra bằng cách nuôi cá lóc và ếch trên cát. Hiệu quả cao, nhưng vì không được quy hoạch bài bản, dẫn đến mất giá. Phước thu mua, chế biến sản phẩm và được thị trường chấp nhận. Ông Nguyễn Hữu Nam, một người cấp nguồn cá và ếch thương phẩm cho Phước, bày tỏ: “Các sản phẩm cá biển, cá lóc và ếch nuôi được chế biến đúng tiêu chuẩn giúp nhiều người dân có được nguồn lợi bền vững, không bị tư thương ép giá khiến dân làng rất vui. Đây là cách giúp người dân thoát nghèo bền vững”.

Xây dựng sản phẩm OCOP từ tay trắng

Thôn Nam Nẫm (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch) là một vùng đất bán sơn địa. Anh Nguyễn Thanh Bình (43 tuổi) cùng vợ Nguyễn Thị Giang (42 tuổi), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã về quê trồng cây ăn quả. Đầu năm 2013, tưởng quả ngọt được thu hoạch, nhưng cơn bão lịch sử số 10 ập vào, quật ngã vườn cây mấy năm gầy dựng. Hai vợ chồng Bình như quỵ ngã. Cả hai bắt tay làm lại từ đầu với với số tiền vay mượn người thân, bạn bè, tìm xem trồng cây gì chống được biết đổi khí hậu, chống được bão, đem lại lợi ích lâu dài.

Hai vợ chồng anh đi khắp đất nước học tập kinh nghiệm và về khởi nghiệp với 0,5ha cà gai leo. Năm 2015, vợ chồng anh vét hết vốn liếng, liên kết với các hộ dân khác mở rộng diện tích trồng cà gai leo, chè vằng, xuyên tâm liên. Đến nay, vùng nguyên liệu của anh có hơn 10ha đất sạch, liên kết với 34 hộ dân, không sử dụng phân bón hóa học, sản phẩm tinh chế từ cà gai leo chiết xuất theo quy trình nghiêm ngặt, sản phẩm được bán trên khắp các tỉnh thành. Bên vườn cà gai leo, chị Nguyễn Thị Thu Giang kể: “Đây là vùng đất từng bị bão tàn phá vườn cây ăn quả năm 2013. Nhờ tìm được các loại cây hữu ích về trồng nên mỗi năm HTX nông nghiệp Cự Nẫm của chúng tôi có doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Công nhân nhận lương từ 4-7 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương”.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm: “HTX nông nghiệp Cự Nẫm đã có sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao là cao thìa canh và cà gai leo. Sản phẩm được bao tiêu nhiều nơi nên nông dân được hưởng lợi rất lớn. Mỗi diện tích đất làm nông nghiệp hữu cơ của anh Bình, chị Giang có giá trị gấp 10 lần trồng lúa. Với giá phân bón đang ngày mỗi tăng cao, người dân nơi đây trong thời gian tới sẽ chuyển đổi sang trồng dược liệu như anh Bình, chị Giang, bởi nông nghiệp hữu cơ về dược liệu đang mang lại lợi ích thiết thực và lợi nhuận cao”.

Vươn lên từ khó khăn ở những vùng quê nghèo, trên hành trình lập nghiệp, họ không chỉ nghĩ cho bản thân mà còn mang kiến thức, việc làm về cho quê hương. Lê Thanh Triển đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Nguyễn Hữu Phước được Trung ương đoàn vinh danh, tạo điều kiện vay vốn của đoàn thanh niên để giúp thêm nhiều dân biển ở địa phương, trong khi vợ chồng Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Thị Giang được tặng nhiều giấy khen cấp Trung ương. Họ như những con ong chăm chỉ, đưa kiến thức, việc làm về nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Mọi người tin rằng, trong tương lai, các sản phẩm OCOP của Quảng Bình với sự góp sức của họ sẽ còn phát triển mạnh mẽ, vươn xa hơn.

Tin cùng chuyên mục