
Ông Đinh Thiên Cần (Sáu Cần), thương binh hạng 2/4, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, có kiến thức thực tiễn sâu rộng. Suốt mấy mươi năm tham gia cách mạng, ông luôn tạo sự khác biệt với rất nhiều kiến tạo đã đem lại cơm no, áo ấm cho nhiều người và lợi ích xã hội to lớn.
Kiến tạo phong trào
Đã mấy năm không gặp, tôi thấy ông Sáu Cần già đi so với tuổi 65 của mình. Cái chân trái bị gãy thời đi bộ đội đánh Mỹ đã thành tật, đi cà nhắc nhưng xem ra vẫn còn “nhanh nhẹn”. Ông dẫn tôi ra thăm trang trại tổng hợp rộng gần 6ha, giữa cánh đồng Đại Nôn, Liêu Tú. Trang trại nuôi cả ngàn con heo nái, vài ngàn con vịt, vô số các loại tôm, cá… nhưng không có mùi hôi. Ông thân tình: “Tôi tự thiết kế trang trại: an toàn, sạch sẽ đến từng chi tiết. Ngày nào tôi cũng có heo đẻ và heo con để bán. Mỗi năm, nuôi 3.000 con vịt (cỡ 3kg/con), lời ít nhất cũng được 200 triệu đồng. Còn heo thu về không dưới 3- 5 tỷ đồng/năm. Về hưu, tôi “làm chơi” vậy thôi chú em”.
Chúng tôi hiểu cách “làm chơi” của ông Sáu Cần từ khi mới 25 - 26 tuổi. Lúc đó, ông làm Bí thư Đảng ủy xã Liêu Tú. Từ cánh đồng năn, ven cửa biển Mỏ Ó (thuộc 2 xã Trung Bình, Lịch Hội Thượng) chạy dọc bờ bắc sông Mỹ Thanh vào tới xã Liêu Tú của ông rộng tới 8.000ha. Nhưng trước và sau năm 1975, diện tích trồng được một vụ lúa mùa, năng suất thấp (2 tấn/ha) cũng chỉ 2.000ha (cặp theo tỉnh lộ 8). Hầu hết diện tích còn lại là hoang hóa, năn, lác mọc ngút ngàn. Ông Sáu Cần kể: Liêu Tú có tới 80% đồng bào dân tộc Khmer. Đất đai mênh mông nhưng họ đành bất lực nhìn cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy mình. Khi tập đoàn sản xuất (TĐSX) “nở rộ”, ông bàn với dân chỉ còn cách đắp đê, xẻ kênh, làm cống bọng, chống úng, xổ mặn, phèn để trồng lúa mới đổi đời được. Hàng vạn lượt dân công được huy động; nhiều công trình, người đông tới cả ngàn, khí thế hừng hực. Ông đặt “đại bản doanh” của Đảng ủy ngay tại “công trường” để kết nạp cho những “điển hình” tiên tiến; khích lệ tinh thần “cách mạng tiến công” của họ. Rồi đất cũng không phụ lòng người… những cánh đồng “cầm trâu”- tức hoang hóa - của Giồng Giác, Giồng Chát, Tổng Cán rộng trên 2.000ha đã sản xuất được một vụ lúa (giống mới) có năng suất cao, đạt trên 5 tấn/ha. Nhà báo Nguyễn Kiến Phước (Báo Nhân Dân) lúc đó viết bài, đặt tên cho nó là “ Thần nông lắc”. 10 năm sau (1986), khi tín hiệu đổi mới “hiệu triệu” từ Trung ương, người ta xẻ kênh, làm cống Bà Sẫm, Cái Oanh, Cái Xe… thì nước ngọt từ sông Hậu ùa về, lúa tăng vụ (IR42) mặc sức “tung hoành”, năng suất đạt tới 7 - 9 tấn/ha/vụ. Ông Sáu Cần đã giải quyết không chỉ cái đói, nghèo cho nông dân xứ “cầm trâu”, vốn bao đời khốn khó mà còn cân đối được lúa giống, nộp thuế; đặc biệt là huy động lương thực làm “nghĩa vụ” đối với nhà nước. Vào cái thời “củi châu, gạo quế”, những hạt gạo từ đồng đất châu thổ Cửu Long (trong đó có xứ ông) đối với cả nước thật quý trọng biết bao.
Tôi còn nhớ vào năm 1982, ông Sáu Cần tổ chức huy động lương thực một ngày được 2.500 tấn lúa, vượt chỉ tiêu giao lương một năm của xã Liêu Tú. Thời bao cấp, tôi đã đi nhiều vùng quê, dự ngày hội giao lương; nhưng không thấy nơi nào làm được như ở Liêu Tú. Bây giờ, khi tôi hỏi về những ngày “oanh liệt “ ấy, ông kể: “Mọi công việc tôi làm đều có sự chuẩn bị trước và tính toán kỹ càng. Ngoài ra còn tranh thủ mấy ông Lục - đại đức các chùa Khmer - vận động tiếp. Khí thế cách mạng lúc đó mạnh mẽ lắm nên làm cũng không mấy khó khăn”… Nghe ông nói vậy thôi chứ lãnh đạo cấp trên về đây khảo sát tình hình mới biết cái tài khác người của ông là ở chỗ đó.

Ông Sáu Cần bên mẻ tôm vừa thu hoạch.
Ông tổ vùng tôm
Năm 1992, ông Sáu Cần được bầu làm Bí thư Huyện ủy Long Phú (giờ là 3 huyện: Long Phú, Trần Đề và Cù Lao Dung), trong thời điểm các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan rã. Vốn tính nhạy bén, ông nghĩ ngay đến việc thay đổi cách làm. Ông hiểu, cái chính bây giờ là có được lòng dân. Có chủ trương, ông chỉ đạo “khoán” đất cho dân để huy động hết “nội lực” thâm hậu của họ. Ông tổ chức một số mô hình sản xuất mới; mà chính ông là người âm thầm thực hiện trước. Ông tính toán: Cánh đồng năn và cánh đồng “cầm trâu” có rất nhiều thuận lợi để nuôi tôm sú công nghiệp vì gần biển. Nhưng khi thực hiện thì thấy khó khăn quá. Cái chính là thiếu vốn và thiếu kỹ thuật nuôi trồng. Năm 1993, ông giấu vợ mua đất hoang ở ngoài đê (ven sông Mỹ Thanh) với giá rẻ như cho (chỉ 50.000 đồng/ công) thuộc ấp Tổng Cán và đào một số vuông nuôi thử tôm sú. Ông kiên trì “bám” con tôm sú mấy năm liền nhưng nuôi thất hoài. Năm 1999, ông được Công ty CP mời sang Thái Lan tham quan cách nuôi tôm. Về nhà, ông vẫn theo đuổi con tôm. Tháng 4-2000, ông Sáu Cần thông báo với vợ và nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện là thu hoạch tôm. Tôi còn nhớ năm đó, ông Sáu Cần xổ tôm, người quanh vùng đến xem rất đông. Họ đến không chỉ để thăm dò mà còn nghiên cứu học hỏi. Vụ đầu tiên, ông thu được 9 tấn tôm trên diện tích nuôi 2ha (4 ao). Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Út Xi và Fimex VN đến tận vuông tôm đấu giá. Mỗi ký tôm sú, ông bán được 200.000 đồng, lời 1,1 tỷ đồng. Năm 2001, ông mở rộng lên 30 ao nuôi, cuối vụ thu hoạch được 65 tấn; giá bán 180.000 - 200.000 đồng/kg. Mùa tôm chính vụ năm 2004, ông Sáu Cần thu được 180 tấn tôm, bán lời cao nhất hơn chục tỷ đồng. Mấy năm sau đó, ông thu hoạch nhiều hơn, nhưng lời ít hơn vì tôm rớt giá; công cán, giá thức ăn cao…
Tiếng lành đồn xa, sau vụ trúng tôm nuôi vào năm 2001, nhiều doanh nghiệp từ TP HCM và các tỉnh ĐBSCL tới Liêu Tú ùn ùn mua đất nuôi tôm. 550ha đất hoang ngoài đê sông Mỹ Thanh đã được bán sạch chỉ trong vài tháng. Sau đó, người ta “lấn” qua đê, “xới tung” những cánh đồng lúa, bắc ống qua đê, bơm nước mặn vào nuôi tôm … Chỉ vài năm sau, trên 7.000ha của cánh đồng năn vào tới ấp Tổng Cán, xã Liêu Tú là một “thành phố” nuôi tôm công nghiệp. Đêm đến, đèn điện lan tỏa, sáng rực một góc trời. Phía bờ Nam sông Mỹ Thanh (thuộc huyện Vĩnh Châu), mấy chục ngàn hecta thuộc các xã: Hòa Đông, Khánh Hòa; vùng 6 xã anh hùng của huyện Mỹ Xuyên cũng rặt là những vuông tôm trùng điệp.
Hơn 20 năm qua, các vùng nuôi tôm công nghiệp của Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… cũng phát triển mạnh mẽ. Ngay như Cà Mau bấy lâu nay chỉ quen nuôi tôm quảng canh, giờ cũng đã có 10.000ha nuôi công nghiệp. Phải thừa nhận, mấy năm nay, nuôi tôm công nghiệp có năm trúng, năm thất; có người giàu lên, cũng có người tạm nghèo đi; nhưng về cơ bản, nuôi tôm sú, mới đây là tôm thẻ, đã làm giàu cho Tổ quốc. Mỗi năm Việt Nam thu về cả tỷ USD nhờ xuất khẩu tôm. Doanh nghiệp nuôi tôm Lưu Thống Nhứt, người đã từng ở lì hàng tháng trời ngoài vuông tôm của ông Sáu Cần để học cách nuôi tôm công nghiệp buổi ban sơ. Bây giờ, ông Lưu Thống Nhứt và nhiều người khác nữa cũng rất thành công trong lãnh vực nuôi tôm công nghiệp và trở thành những đại gia tầm cỡ. Ông Lưu Thống Nhứt chia sẻ: “Không có ông Sáu Cần khởi xướng thì tôi và hàng vạn gia đình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp khác ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung sẽ không có ngày hôm nay”.
Người luôn tạo ra sự khác biệt và là “ông tổ” của phong trào nuôi tôm sú công nghiệp ĐBSCL bây giờ cũng chưa chịu nghỉ ngơi. Ngoài việc làm kinh tế cho gia đình, ông thường tới lui thăm các bà mẹ VNAH, các gia đình chính sách, nông dân nghèo, tặng tiền, quà; cho nhiều người mượn vốn (không lấy lãi) và chỉ họ cách làm ăn. Bây giờ nhiều người khá lên trả vốn cho ông; cũng không ít gia đình không còn vốn để trả nhưng ông cũng không đòi. Ông bảo số tiền ấy lên đến 20 tỷ đồng. Nhiều trường học, đường nông thôn ở Liêu Tú, Trung Bình, Lịch Hội Thượng được xây cất đàng hoàng, trị giá hàng chục tỷ đồng, có công đóng góp không nhỏ của gia đình ông.
LÊ BÌNH