Thống kê rất đáng chú ý từ một số website về BĐS cho thấy, một số website ghi nhận kỷ lục với 5 triệu thành viên tương tác so với khoảng 3-4 triệu thành viên trước đây. Có website lượng thành viên mới tăng trên 60%, đạt 12,5 triệu lượt truy cập so với thời điểm cao nhất trước đây là khoảng 10 triệu lượt... Bên cạnh đó, sự sôi động của các “chợ cóc” BĐS tại nhiều địa phương thể hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm và tham gia thị trường chỉ trong thời gian rất ngắn, khi cơn sốt đất bắt đầu bùng phát sau Tết Nguyên đán 2021.
Căn nguyên của cơn sốt được các chuyên gia “bắt mạch” là do lực đẩy cộng hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm: tiền rẻ do lãi suất thấp; đông đảo nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia thị trường; thông tin quy hoạch được tung ra ồ ạt; tăng khung giá đất nhà nước (giá đất một số địa phương tăng 15-30%, có những nơi 50%-100%)… Trong đó, lực đẩy mạnh nhất chính là thông tin quy hoạch. Theo các nghiên cứu thị trường vừa đưa ra, chưa bao giờ các thông tin quy hoạch lại được tung ra ồ ạt với quy mô rộng như hiện nay, từ hệ thống đường cao tốc miền Tây đến quy hoạch sân bay, thành phố vệ tinh, đường ven biển, ven sông... Tại các thị trường mới có thông tin quy hoạch hạ tầng được công bố, giá đất tăng phổ biến 10-30%, một số nơi giá đất tăng gấp 2-3 lần, điển hình là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, vùng ven Hà Nội và TPHCM...
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ đổ vỡ thị trường BĐS giống như cách đây 10 năm, khi có những nơi giá đất đang bị thổi lên vô tội vạ còn nhà đầu tư vẫn lao vào mua, bất chấp thực tế rằng, từ việc lập quy hoạch đến triển khai thực hiện còn một quãng đường dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu thực tế, nguồn lực địa phương... Nếu tham gia thị trường bằng vốn đi vay, vốn lưu động, rủi ro có thể đến khi lãi suất tăng trở lại trong khi hàng đã bị đóng băng…
Mới đây, Bộ Xây dựng cùng Bộ TN-MT đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS nhằm kiềm chế sốt đất. Trong đó, 2 bộ nhấn mạnh việc các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai và các luật liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ có một số địa phương thực hiện công khai quy hoạch và hầu như chưa có địa phương nào xử lý các trường hợp vi phạm.
Thị trường vẫn đang bị bóp méo vì những thông tin ảo. Do đó, hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý kịp thời đưa ra những thông tin chính xác về quy hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch. Các cơ quan quản lý cũng cần thống kê số lượng dự án đủ tiêu chuẩn giao dịch, số lượng giao dịch thực tế trên địa bàn để công khai. Song song đó, các địa phương cũng cần có cảnh báo cho nhà đầu tư về các dự án chưa đầy đủ thủ tục, thậm chí là vi phạm pháp luật. Nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ sẽ góp phần hạ nhiệt thị trường BĐS, đưa thị trường trở về đúng quỹ đạo cung và cầu.