Khủng hoảng kinh tế và tự do thương mại - chủ đề chính của Hội nghị các bộ trưởng APEC

Sáng nay, 21-7, các bộ trưởng thương mại thuộc diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu nhóm họp tại Singapore để bàn thảo các biện pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chế độ bảo hộ thương mại và cách thức thúc đẩy Vòng đàm phán tự do thương mại Doha đang bị đình trệ.

Tham gia hội nghị hai ngày có bộ trưởng hoặc thứ trưởng của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy cũng tham dự hội nghị. Hội nghị này chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh APEC cũng được tổ chức tại Singapore vào tháng 11 tới.

Dự kiến, kết thúc hội nghị, ngoài tuyên bố chung như thường lệ, các bộ trưởng APEC sẽ đưa ra một tuyên bố riêng nhấn mạnh các mối quan ngại về sự đình trệ của tiến trình đàm phán tự do thương mại toàn cầu, chế độ bảo hộ gia tăng và hy vọng Vòng đàm phán Doha sẽ hoàn tất vào năm 2010.

Hội nghị được tổ chức hai tuần sau khi các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) nhóm họp tại Italia đã nhất trí với các nền kinh tế mới nổi về mục tiêu hoàn tất Vòng đàm phán Doha vào năm 2010. 

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Pangestu cho rằng việc APEC họp ngay sau hội nghị thượng đỉnh G-8 là một động thái quan trọng để thúc đẩy tiến trình đàm phán Doha đã kéo dài 8 năm.

Vòng đàm phán Doha được khởi động tại Catar cuối năm 2001 với mục tiêu đến năm 2013 xóa bỏ các rào cản thương mại và chế độ bảo hộ, trợ giá, nhất là trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nhiều lần đổ vỡ do những bất đồng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển về các sản phẩm nông phẩm và công nghiệp.

Theo Tổng giám đốc WTO Lamy, mục tiêu hoàn tất đàm phán vào năm 2010 là "khá thực tế".

APEC gồm Australia, Bruney, Canada, Chile, Trung Quốc, Hồng Công, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea , Peru, Philippine, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam, chiếm hơn 1/2 tổng sản phẩm nội địa của thế giới và gần 44% buôn bán quốc tế.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục