(SGGP).- Ngày 12-5, Bộ Nội vụ Anh thông báo chính phủ nước này sẽ phản đối kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) muốn phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho 28 nước thành viên. Không chỉ có Anh, nhiều thành viên khác trong EU cũng đang bất đồng về cách chia sẻ gánh nặng người nhập cư.
Theo kế hoạch do Ủy ban châu Âu soạn ra, tất cả các nước thành viên EU đều phải tiếp nhận hàng vạn người tìm kiếm tị nạn mỗi năm. Hạn ngạch cho mỗi nước sẽ được tính toán dựa trên các yếu tố kinh tế-xã hội như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dân số, tỷ lệ thất nghiệp..., song đảm bảo rằng mỗi nước sẽ phải đóng góp trách nhiệm một cách hợp lý và công bằng trong việc tiếp nhận những trường hợp rõ ràng đang cần đến sự bảo vệ quốc tế.
Báo Guardian nhận định, sẽ không có cơ hội cho một sự đồng thuận nhanh chóng cho kế hoạch này. Kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận nhập cư của châu Âu do Đức bảo trợ và được Thụy Điển, Áo ủng hộ vì những nước này hiện đang trong tình trạng “quá tải” người tị nạn. Một khi hệ thống hạn ngạch được áp dụng, họ sẽ được giảm tải một cách hợp pháp và chủ động. Các nước ở mặt trận tiền tuyến Địa Trung Hải như Italia, Hy Lạp và Malta chắc chắn sẽ tán thành đề xuất này vì gánh nặng người tị nạn được chia sẻ cho nhiều nước khác. Tuy nhiên, Anh, Đan Mạch và Hà Lan đã phản ứng rằng, kế hoạch này là “không thể chấp nhận được” và sẽ “phản đối quyết liệt” việc áp đặt phân bổ hạn ngạch tiếp nhận nhập cư không theo cơ chế tự nguyện. Chỉ riêng Anh, nếu kế hoạch này được thực hiện, đồng nghĩa với việc số người nhập cư vào Anh mỗi năm có thể tăng gấp đôi, từ mức 30.000 người/năm hiện nay lên hơn 60.000 người/năm. Người Pháp cũng sẽ thận trọng bởi họ không dại gì trao thêm lợi thế cho đảng Mặt trận Dân tộc theo đường lối cực hữu (phản đối nhập cư) trong bối cảnh đảng này vừa gây chấn động khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi năm 2014 và được đánh giá là đảng số 1 tại Pháp hiện nay. Người châu Âu, vốn dĩ rất khó chấp nhận người nhập cư, vì vậy sẽ không muốn phá vỡ tập quán này. Các nước châu Âu hiện đang vướng vào những rắc rối chính trị trong nước và khó khăn về mặt tài chính lại càng theo đường lối cứng rắn chủ trương chống nhập cư.
“Kế hoạch quota” được đưa ra vào thời điểm EU đang tìm cách đạt được sự ủng hộ của LHQ về một kế hoạch tìm kiếm và phá hủy các tàu mà bọn buôn người sử dụng để chở người di cư từ bờ biển Libya tới châu Âu. Kế hoạch này chắc chắn cũng sẽ vấp phải nhiều câu hỏi phức tạp về sự ủy thác hành động trong vùng lãnh hải Libya. Theo giới quan sát, Nga sẽ sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết cho nghị quyết này. Đại sứ Libya tại LHQ, Ibrahim Dabbashi, người phản đối kế hoạch của EU, được báo Anh hôm 11-5 dẫn lời, cho rằng giải pháp tốt nhất cho châu Âu là giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách trao vũ khí cho chính phủ của ông để giúp chiến đấu với thế lực có các tay súng cực đoan đứng đằng sau. Còn các cơ quan cứu trợ nhân đạo thì cảnh báo rằng, các kế hoạch này sẽ không mang lại hiệu quả nào trong việc giải quyết khủng hoảng tị nạn.
HẠNH CHI