Thời gian gần đây, câu chuyện lạm phát và kiềm chế lạm phát gần như là mối quan tâm lớn trong các diễn đàn xã hội. Mối quan tâm, lo lắng này không chỉ là chủ đề chính trong các bàn hội nghị, hội thảo mà còn là sự bàn luận của mọi tầng lớp nhân dân, ngay cả trong bữa ăn của từng gia đình. Cơn bão giá, lạm phát không chỉ nổi lên từ nội bộ nền kinh tế đất nước, mà nó còn đến từ sự bất ổn của những nền kinh tế lớn của các quốc gia, vốn dĩ lâu nay đã có vai trò chi phối, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp ngăn chặn, kiềm chế lạm phát. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có bài viết quan trọng, với 7 nhóm giải pháp, thể hiện rõ quan điểm, chính sách và quyết tâm của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Cùng với quyết tâm của Chính phủ, Thành ủy và UBND TPHCM đã có những động thái kịp thời, đồng bộ, đưa ra những giải pháp thiết thực để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất. Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 (khóa 8) diễn ra vài ngày nay, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững đã trở thành mối quan tâm chung của các đại biểu.
Canh cánh bên lòng nỗi lo lắng về sự ổn định, phát triển của thành phố và đất nước, khi bàn thảo về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động nhân dân…, các đại biểu không quên kiến nghị biện pháp để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất. Kết thúc hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy đã có bài phát biểu đầy tâm huyết và trách nhiệm. Tập trung mọi nỗ lực để thúc đẩy sản xuất phát triển và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội là mối quan tâm sâu sắc nhất hiện nay của người đứng đầu Thành ủy, của tập thể lãnh đạo và cả Đảng bộ thành phố.
Nói gì thì nói, làm gì thì làm, trước khó khăn, thách thức này phải tìm ra cho được biện pháp tối ưu nhất để phát triển sản xuất và an sinh xã hội. Ba vấn đề mà đồng chí Bí thư Thành ủy đặt ra: Tập trung tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giữ vững sản xuất; rà soát điều chỉnh các dự án đầu tư, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện hiệu quả chính sách xã hội đã được mọi người hoan nghênh, hưởng ứng.
Thành phố cam kết tạo mọi thuận lợi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này. Từ nay đến cuối năm không tăng bất cứ loại phí và giá các dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của thành phố; tập trung chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ... Cùng ý tưởng và quyết tâm ấy, Chủ tịch UBND thành phố đã ra chỉ thị tăng cường các biện pháp để góp phần giảm lạm phát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2008.
Chủ trương một, biện pháp mười, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện. Làm sao để các chủ trương, ý tưởng ấy đi vào cuộc sống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Đó là công việc không chỉ của cấp ủy và chính quyền các cấp mà là của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Hưởng ứng các chủ trương, biện pháp của Chính phủ và chính quyền thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần đề ra chương trình hành động. Nói ít làm nhiều.
Vai trò của cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội là hết sức quan trọng. Đến lượt mình, bà con thành phố cùng cả nước, tùy theo khả năng và điều kiện như: thực hành tiết kiệm, không tiếp tay cho gian thương đầu cơ trục lợi, vận động mọi người cùng tham gia chống lạm phát... đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền thành phố ngăn chặn, đẩy lùi lạm phát, góp phần bình ổn nền kinh tế, tạo đà phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch mà nghị quyết Đại hội lần thứ 8 Đảng bộ thành phố đề ra.
TRẦN BẢO TRÂN