Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu mới

Nếu trao quyền quá lớn cho các hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện, mà không có sự tuyển chọn kỹ càng, sẽ khiến chúng ta sẽ rơi vào tình trạng "trao trứng cho ác".

 

Ngày 9-6, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhiều ĐBQH bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất áp dụng cơ chế hợp đồng với giáo viên mà ngành GD-ĐT vừa đề xuất.

ĐBQH -Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, giáo dục là quy trình đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra là con người, quá trình vận hành cũng là con người. Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải chịu.

“Giáo viên không nặng nề phân biệt là công chức hay viên chức, là trong hay ngoài biên chế. Họ mong tiếp tục phấn đấu thi đua công bằng để cống hiến, khẳng định mình, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn hiện nay. Rất mong Bộ GD-ĐT chú trọng", ĐBQH -Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, do nhiều nơi thừa giáo viên, ngành giáo dục nhiều địa phương đã dừng tuyển dụng từ lâu, có nơi dừng từ năm 2008.

“Nay lại thêm chủ trương tinh giản, bỏ biên chế, áp dụng cơ chế hợp đồng với giáo viên khiến giáo viên lo lắng. Điều này có thể khiến ngành giáo dục không thu hút được học sinh giỏi yêu nghề. Đề nghị Chính phủ xem xét vấn đề này", ĐB Nguyễn Thị Phúc đề nghị.

Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu mới ảnh 1 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định áp dụng cơ chế hợp đồng với giáo viên khó đến mấy cũng phải làm.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cũng lo ngại khi biến các cơ sở y tế, giáo dục công thành các đơn vị hoạt động độc lập như mô hình công ty. ĐB mong Chính phủ thận trọng trong triển khai chủ trương này. "Nếu về vùng cao, nếu trên đường các đại biểu gặp những giáo viên, bác sĩ thì họ không phải vì tiền, mà vì yêu nghề vẫn ở lại với bà con, họ cố gắng làm việc với niềm tin sẽ được nằm trong biên chế nhà nước" - ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.

Trong trường hợp bỏ công chức trong giáo dục và y tế thì ĐB cho rằng, cần những cơ chế, chính sách hết sức cụ thể cho từng vùng miền, tránh sụp đổ mạng lưới mà chúng ta dày công xây dựng. Ngoài ra, nếu trao quyền quá lớn cho các hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện, mà không có sự tuyển chọn kỹ càng, sẽ khiến chúng ta sẽ rơi vào tình trạng "trao trứng cho ác".

ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nếu bỏ biên chế trong hệ thống y tế và giáo dục thì nên bỏ biên chế trong toàn bộ hệ thống, chỉ để lại an ninh quốc phòng. Đưa tất cả cán bộ, công chức, viên chức về dạng hợp đồng, có hay không có thời hạn, có chế độ an sinh rõ ràng như hầu hết các nước trên thế giới. "Nếu lập luận bỏ biên chế sẽ làm ngành giáo dục, y tế tốt hơn thì tại sao lại giữ biên chế các ngành quản lý hành chính. Có như vậy mới bỏ được tâm lý chạy một xuất vào biên chế" - ĐB Nguyễn Lân Hiếu phát biểu.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc tuyển dụng giáo viên hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu môn học, đặc biệt là chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa thiếu còn rất nhiều. Còn nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định. Trong khi đó, khu vực giáo viên và đội ngũ nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới. Đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục, có từng bước đổi mới để thực hiện.

Vì vậy, ngành giáo dục nghiên cứu đề xuất thí điểm để chuyển dần từ công chức, viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động. Trước hết sẽ thí điểm từ khu vực đại học và một số trường đủ điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm và nhân rộng. Chúng tôi kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt yêu cầu mới.

“Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Vấn đề này cần nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình thực hiện một cách căn cơ, thí điểm ở khu vực đại học. Khi trao đổi vấn đề này với các Sở GD-ĐT thì đều nhận được sự nhất trí, dư luận xã hội rất quan tâm. Điều quan trọng là lộ trình, bước đi như thế nào cho nó phù hợp với điều kiện của các cơ sở và tâm lý của giáo viên”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Về đổi mới giáo dục đại học, đề nghị nên quản lý, siết chặt đầu ra. Cần xóa bỏ việc nhiều năm qua chúng ta siết chặt đầu vào (điểm cao mới đỗ vào đại học) mà đầu ra lại quá dễ, khi có trường tỷ lệ tốt nghiệp đến 98-99%.

Tệ hơn nữa là trong y tế, có cơ sở cần sinh viên nên đã hạ thấp đầu vào, và cả đầu ra đều dễ và thấp. Để có đội ngũ bác sĩ chất lượng cao, nên có kỳ thi quốc gia để tất cả các bác sĩ khi ra trường đều có chất lượng ngang nhau”

(ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu)

Tin cùng chuyên mục