1. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, trong bối cảnh vừa tái thiết nền kinh tế đất nước bị kiệt quệ, vừa đối phó với sự chống phá điên cuồng từ phía các thế lực “thù trong, giặc ngoài”, Lênin đòi hỏi sự thống nhất và đoàn kết, chống mọi biểu hiện bè phái trong hàng ngũ Đảng. Để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phải trên tinh thần kiên quyết đấu tranh chống các hoạt động bè phái. Đây là điều rất quan trọng. Lênin cho rằng, bất kỳ bè phái nào cũng là tai hại và tạo cho kẻ thù tăng cường khoét sâu thêm sự chia rẽ, và lợi dụng sự chia rẽ đó để thực hiện những mục đích phản cách mạng. Lênin yêu cầu loại trừ hẳn những dấu vết, dù nhỏ nhất của đầu óc bè phái, sự tái phạm không thể tránh khỏi của bệnh hẹp hòi… và khẳng định, nhất quyết không để một dấu vết nào của óc bè phái tồn tại; chấm dứt hoàn toàn và triệt để tệ bè phái. Ai lâm vào bè phái sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Cùng với việc chống nạn bè phái, cục bộ trong Đảng, Lênin đặc biệt căm ghét và đề nghị tiễu trừ một kẻ thù chính, kẻ thù “nội xâm”, đó là nạn tham ô, hối lộ. Lênin coi tệ nạn tham ô, hối lộ như “một cái ung nhọt” cần phải cắt bỏ một cách cấp bách và không thể trì hoãn. Một đạo luật có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu được đem áp dụng trong điều kiện nạn tham ô, hối lộ được dung thứ và đang hoành hành. Để đấu tranh chống nạn tham ô, hối lộ, theo Lênin, thứ nhất, những đảng viên, nhất là những người được giao trọng trách, phải không được mắc vào tệ bệnh này. Thứ hai, phải thẳng tay xử lý những kẻ tham ô, hối lộ. Lênin yêu cầu thẳng tay đối với bọn phản cách mạng, bọn ăn hối lộ, với khung hình phạt tùy theo mức độ vi phạm, từ lao động cưỡng bức, tù giam đến tử hình; cần đệ trình ngay, hết sức cấp tốc, dự luật quy định rằng mức trừng phạt về tội ăn hối lộ phải không dưới 10 năm ngồi tù và thêm vào đó 10 năm lao động cưỡng bức. Thậm chí, có thể xử bắn về tội ăn hối lộ. Trên thực tế, chính quyền Xô viết đã tử hình không ít đảng viên có cương vị công tác nhưng đã thoái hóa, biến chất, đã sa vào tệ tham ô, hối lộ...
Thứ ba, nghiêm khắc xử lý cả những đảng viên dung túng cho những kẻ tham ô, hối lộ, với các hình thức xử lý từ khai trừ ra khỏi Đảng đến truy tố trước pháp luật. Thứ tư, phải nâng cao trình độ dân trí. Lênin nhấn mạnh, chỉ có nâng cao trình độ học vấn của nhân dân mới có thể đấu tranh hữu hiệu với nạn hối lộ và cần tiêu diệt nạn mù chữ - mảnh đất dung dưỡng cho nạn hối lộ, tham nhũng.
Lênin xác định, những người cách mạng chỉ có thể đóng vai trò đội tiên phong của cái giai cấp thực sự giàu sức sống và tiên tiến. Đội tiên phong chỉ làm tròn được sứ mệnh khi gắn bó với quần chúng. Nếu không tin tưởng và phục vụ nhân dân, cách mạng sẽ không thể thành công. Lênin cho rằng, phải biết phát hiện và sử dụng những tài năng từ quần chúng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong số những công nhân và nông dân bình thường, luôn có rất nhiều người trung thành với quyền lợi của quần chúng lao động. Do đó, phải tìm ra được những tài năng mới, khiêm tốn, ít biểu lộ ra và lôi cuốn những người công nhân và nông dân bình thường tham gia công tác nhà nước.
Người đặc biệt cổ vũ việc Đảng liên hệ chặt chẽ với giai cấp và với quần chúng, trước hết, thông qua các tổ chức công đoàn, những hội nghị công nhân và nông dân không đảng. Theo Lênin, chính qua những hội nghị này giúp Đảng nhận xét tâm trạng của quần chúng, gần gũi họ, giải quyết những nhu cầu của họ, giao cho những phần tử tốt nhất trong số họ đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy nhà nước. Để thắt chặt hơn nữa mối liên hệ với quần chúng lao động còn đứng ngoài chính trị, Lênin cho rằng, cần đưa hàng trăm hàng ngàn những người không đảng xuất thân từ quần chúng công nhân và nông dân thường… tham gia công tác của các Xô viết, mà trước hết là các công tác kinh tế; đồng thời phải kiểm tra công việc của họ nhiều hơn nữa. Tin tưởng, dựa vào và phát huy vai trò của nhân dân, Lênin yêu cầu, nhất định phải thu hút những người không đảng phái, làm cho những người không đảng phái kiểm soát hoạt động của các đảng viên.
2. Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng không thể phủ nhận. Song, bên cạnh đó, không ít vấn đề khó khăn đang thách thức công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Lúc này, trên con đường ấy, để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, để giải quyết những thách thức ấy, những chỉ dẫn của Lênin càng có ý nghĩa quan trọng. Đó là về xây dựng Đảng cầm quyền đoàn kết thống nhất, chống mọi tư tưởng và biểu hiện bè phái, cục bộ làm suy yếu Đảng; kiên quyết phòng, chống hiệu quả nạn tham nhũng dưới mọi hình thức, quy mô và mức độ; đặc biệt là sự tin tưởng và phục vụ nhân dân có ý nghĩa thành bại.
Nhân kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của V.I. Lênin, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt nhất lời chỉ dẫn tâm huyết và minh triết. Đó chính là mệnh lệnh của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tưởng nhớ công lao to lớn của Lênin với sự nghiệp V.I. Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mát-xcơ-va trước các đơn vị của khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919. Ảnh: Tư liệu Ngày 21-4, nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I. Lênin (22-4-1870 - 22-4-2020), đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dâng hoa tưởng nhớ tại tượng đài Lênin ở quận Ba Đình, Hà Nội. Trước tượng đài Lênin, đồng chí Võ Văn Thưởng và các đồng chí trong đoàn bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Lênin đối với sự nghiệp cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam; tỏ rõ lòng quyết tâm tiếp tục thực hiện lý tưởng và con đường cách mạng vô sản của Lênin cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vô sản. |