Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển trong chu kỳ mới

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các không gian phát triển mới là nhiệm vụ cấp bách để kiến tạo cơ hội cho DN phát triển.
Công nhân một công ty tại TPHCM giám sát quy trình tự động sản xuất qua thông số trên màn hình máy tính. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nhân một công ty tại TPHCM giám sát quy trình tự động sản xuất qua thông số trên màn hình máy tính. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp (DN) đều gắn liền với dòng đời phát triển của các sản phẩm chủ lực của họ. Dòng đời sản phẩm dài ngắn phụ thuộc vào sự nỗ lực quản trị bên trong mỗi DN và sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Những năm vừa qua, dịch Covid-2019 cùng nhiều xung đột trên thế giới khiến suy thoái kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tác động lớn đến sự thay đổi môi trường kinh doanh của DN. Trong bối cảnh đó, DN cần thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp để bắt đầu chu kỳ phát triển mới.

Nhà nước tạo tiền đề

Chủ trương về công nghệ số, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và chính sách đối ngoại của Chính phủ là những yếu tố quan trọng trong chu kỳ tăng trưởng mới. DN có thể dần nhận diện xu hướng mới và tự thay đổi thích ứng. Tuy nhiên, như vậy sẽ rất chậm. Do vậy, chính sách phát triển của Chính phủ giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy DN chuyển đổi.

Trước hết, nhà nước cần có định hướng thông qua quy hoạch phát triển. Các khu/cụm công nghiệp hiện hữu cần quy hoạch lại theo hướng kích thích DN chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số; hình thành không gian phát triển mới...

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các không gian phát triển mới là nhiệm vụ cấp bách để kiến tạo cơ hội cho DN phát triển. Khi các dự án đầu tư hạ tầng được triển khai sẽ tạo cơ hội làm ăn cho rất nhiều DN trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu, xây dựng, công nghiệp tiêu dùng và dịch vụ phụ trợ.

Việc thúc đẩy đầu tư không gian phát triển mới không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai, mà còn là giải pháp hữu hiệu giúp DN nội khôi phục sản xuất, cũng như tạo thêm nhiều việc làm. Cần lưu ý, việc đầu tư phát triển hạ tầng nên hướng đến tạo cơ hội làm ăn cho DN nội. Theo đó, cần đảm bảo tỷ lệ nhất định DN nội tham gia thực hiện các gói thầu thi công các dự án lớn.

Tăng cường hợp tác công - tư

Nguồn vốn ngân sách là có hạn, do đó cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng bằng nguồn vốn hợp tác công - tư. Trong đó, nên xem xét lựa chọn hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) cho đầu tư các công trình giao thông. Với hình thức BT, tư nhân xây, nhà nước có thể trả tiền hoặc giao đất cho tư nhân khai thác. Quá trình giao đất khai thác sau đó sẽ tạo thêm điều kiện cho phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả quỹ đất và thu thêm ngân sách.

Việc cơ cấu lại không gian phát triển hiện hữu, hình thành không gian phát triển mới đều liên quan đến việc sử dụng tài nguyên đất đai. Có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến sử dụng tài nguyên đất, tuy nhiên cần nhất quán quan điểm rằng đất cần được xác lập quyền sử dụng rõ ràng và sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế tốt nhất. Theo đó, các quỹ đất công cần sớm có cơ chế cho tư nhân vào khai thác, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Công nhân một công ty tại TPHCM giám sát quy trình tự động sản xuất qua thông số trên màn hình máy tính. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nhân một công ty tại TPHCM giám sát quy trình tự động sản xuất qua thông số trên màn hình máy tính. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giai đoạn hiện nay, DN cần tái cơ cấu để bắt đầu chu kỳ phát triển mới nên cần được trợ vốn đầu tư. Do vậy, việc mở rộng tiền tệ, giảm lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng. Cạnh đó, cần kích hoạt lại thị trường trái phiếu, cổ phiếu để tạo thêm các kênh huy động vốn dài hạn cho DN.

Đối với thị trường trái phiếu, vấn đề lớn nhất hiện nay là niềm tin của nhà đầu tư với loại hình trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, cần sửa các quy định liên quan đến phát hành. Khi niềm tin được củng cố, thị trường trái phiếu sẽ được khơi thông trở lại. Với thị trường cổ phiếu, cần tiếp tục đảm bảo minh bạch thông tin. Đặc biệt là thắt chặt kỷ cương thị trường, nhất là khâu giám sát và quản lý nhà nước nhằm hạn chế tối đa các hành vi thao túng giá.

Thời gian qua, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện cán cân thương mại và tạo sự lan tỏa công nghệ cho toàn bộ nền kinh tế. Các chính sách thu hút DN FDI chủ yếu xoay quanh ưu đãi thuế; miễn giảm tiền thuê đất; hỗ trợ thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, lĩnh vực nào có nhiều DN FDI tham gia thì DN bản địa ngày càng thu hẹp hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Do vậy, cần có định hướng thu hút DN FDI với tiêu chí rõ ràng, quan điểm xuyên suốt là thu hút các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, kết nối được với DN trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần xác định cấu trúc chuỗi giá trị của mỗi ngành và đánh giá khả năng, mức tham gia của DN bản địa, từ đó xác định lĩnh vực cần ưu tiên thu hút DN FDI, bổ khuyết cho nền kinh tế hoặc những khâu DN bản địa chưa đảm đương được.

Để tạo sự cộng hưởng giữa DN FDI với DN bản địa, cần có chính sách thúc đẩy DN FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với DN nhỏ và vừa nội; thực hiện chính sách trợ giúp DN bản địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực… có khả năng liên kết với DN FDI, gia nhập vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Để tạo khí thế mới cho DN chuyển đổi và phát triển trong chu kỳ mới, cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, số hóa hoàn toàn hoạt động quản lý nhà nước đối với DN như đăng ký kinh doanh, cấp phép, khai và quyết toán thuế…

Cùng với đó là tích cực phát huy tinh thần đồng hành, phục vụ DN của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước. Muốn vậy, cần sớm cải cách tiền lương để cán bộ yên tâm công tác và làm tốt chức trách của mình.

Tin cùng chuyên mục