Kinh nghiệm quốc tế về vai trò của biển và đại dương trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 29-3, tại Cần Thơ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp Học viện Chính trị khu vực 4 tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của biển và đại dương trong phát triển kinh tế, xã hội ở thế kỷ XXI - Kinh nghiệm quốc tế”.

z5296751717340_27cbab39f98615bf88d268bfb0a539af.jpg
PGS-TS Trần Thị Lan Hương

Hội thảo nằm trong chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước”.

Phát biểu đề dẫn, PGS-TS Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Ban quản lý Khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: "Tại Việt Nam, biển đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn cải cách mở cửa, biển đã giúp nước ta chủ động mở rộng quan hệ giao thương kinh tế, đem lại các nguồn lực phát triển kinh tế thuận lợi trong 3 thập kỷ qua".

Tuy nhiên, PGS-TS Trần Thị Lan Hương cho rằng, chúng ta đã đón nhận những lợi ích của biển như là một “nguồn lợi trời cho”. Hay nói cách khác, chúng ta đã thụ động trong việc coi Việt Nam là một “quốc gia mạnh về biển”.

"Cho đến nay, vẫn chưa hề có những tiêu chí đánh giá thế nào là một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển hoặc đề ra một hệ thống chính sách, giải pháp cần thiết, đầy đủ và hiệu quả nhất để thực hiện một quốc gia mạnh về biển”, PGS-TS Trần Thị Lan Hương nói.

z5296755103361_b05cc23738274372730832baaa22178b.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học

Hội thảo với nhiệm vụ trọng tâm là lấy ý kiến, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về vai trò của biển và đại dương trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, có những kiến nghị, đóng góp cho việc thực hiện Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ về Biển của Viện Hàn lâm, góp phần khuyến nghị chính sách cho Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 36 (ngày 22-10-2018) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tin cùng chuyên mục