Kinh tế ASEAN năm 2018: Hội nhập và sáng tạo

Trong năm 2018, nền kinh tế các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ giữ đà tăng trưởng, tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một trong số các quốc gia trong khối có dấu ấn tăng trưởng rõ nét nhất.

 

Thành phố Manila của Philippines
Thành phố Manila của Philippines
Triển vọng tươi sáng 

Đây là dự báo của hãng tin Bloomberg. Theo đó, kinh tế  ASEAN sẽ tăng trưởng nhanh nhờ xuất khẩu tăng mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước lớn. Việt Nam và Philippines sẽ là 2 ngôi sao dẫn đầu trong ASEAN với tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt mức hơn 6%. Các quốc gia nằm trong tốp 6 nước dẫn đầu về kinh tế ASEAN như Indonesia sẽ có mức tăng trưởng khoảng 5,3%. Malaysia và Singapore có mức tăng trưởng ổn định hơn. 

Trong khi đó, dự báo của tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch cũng nhấn mạnh triển vọng kinh tế của các nước thành viên ASEAN sẽ tươi sáng hơn trong những năm tới, nhờ sự hội nhập khu vực ngày càng lớn, việc kết nối hạ tầng giao thông ngày càng tốt và công cuộc cải cách tiếp tục được thực hiện. Báo cáo do bộ phận nghiên cứu BMI của Fitch tiến hành nêu rõ bên cạnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Sáng kiến kinh tế Vành đai và Con đường cùng của Trung Quốc được xem là 2 yếu tố then chốt sẽ góp phần nâng cao tính gắn kết trong khu vực, cũng như thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới. 

 BMI dự báo trong số các quốc gia ASEAN, Myanmar và Việt Nam sẽ đạt mốc tăng trưởng cao. Theo đó, Myanmar có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,2%/năm trong 10 năm tới nhờ tăng đầu tư khi môi trường kinh doanh được cải thiện và tình hình chính trị ổn định. Trong khi đó, Việt Nam sẽ ghi dấu ấn tăng trưởng kinh tế nhờ môi trường chính trị ổn định, công cuộc cải cách được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và lĩnh vực sản xuất được hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia đặt tại Việt Nam do chi phí sản xuất thấp. 

Chú trọng đến đổi mới 

Năm 2018 cũng là năm Singapore chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN. Đây cũng là thời điểm đánh dấu ASEAN bước qua tuổi 50 với nhiều thách thức phải đối mặt và cần phải giải quyết trong tương lai gần. Theo Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishna, thách thức đầu tiên hiệp hội đang đối mặt là các tác động từ môi trường bên ngoài như sự cân bằng địa - chiến lược của quyền lực đang thay đổi, sự đồng thuận của các nước trên thế giới về tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế, đầu tư... đang có phần lung lay. Ngoài ra, một thách thức lớn nữa đối với ASEAN là tốc độ phát triển công nghệ trên thế giới hiện nay. Theo giới chuyên gia kinh tế, công nghệ số là lĩnh vực mà ASEAN cũng có nhiều tiềm năng nhất, cả với tư cách là người tiêu dùng và nhà sản xuất với dân số hơn 650 triệu người. Các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi thế lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu biết tận dụng thời cơ. 

Theo Ngoại trưởng Singapore, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Singapore trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2018 là thúc đẩy hội nhập ASEAN. Chính phủ Singapore sẽ tập trung vào 2 chủ đề, đó là khả năng phục hồi và đổi mới. Khả năng phục hồi ở đây là các biện pháp đối phó trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn với nguy cơ khủng bố, các phần tử cực đoan, các mối đe dọa an ninh và thậm chí cả thiên tai, bão lũ. Trong khi đó, yếu tố “sự đổi mới” là nhằm thích ứng với cuộc cách mạng kỹ thuật số, theo đó có thể tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao tay nghề cho người lao động các nước ASEAN và tìm ra những động lực mới để phát triển.

Tin cùng chuyên mục