Giá dầu giảm gây khó khăn nhưng không quá nguy hiểm

Tuần qua, giá dầu thô thế giới tiếp tục “rơi” xuống dưới 30 USD/thùng, làm xuất hiện ý kiến e ngại về tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam - một quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xung quanh vấn đề này.
Giá dầu giảm gây khó khăn nhưng không quá nguy hiểm

Tuần qua, giá dầu thô thế giới tiếp tục “rơi” xuống dưới 30 USD/thùng, làm xuất hiện ý kiến e ngại về tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam - một quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xung quanh vấn đề này.

Giá dầu giảm gây khó khăn nhưng không quá nguy hiểm ảnh 1

TS Lưu Bích Hồ

* Phóng viên: Thưa ông, giá dầu thế giới hiện đã xuống mức 30 USD/thùng và nhiều khả năng tiếp tục giảm, như vậy kịch bản phát triển kinh tế của Việt Nam có thể sẽ rất khác so với dự liệu. Ông có bình luận gì?

* TS LƯU BÍCH HỒ: Giá dầu giảm sẽ tạo ra một số khó khăn nói chung với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những nước dựa vào dầu mỏ để phát triển; đặc biệt là Nga và một số nước Trung Đông. Năm 2016, tuy mới trải qua chưa đầy một tháng, nhưng có thể thấy nhiều khả năng giá dầu còn giảm.

Với câu hỏi chính là kịch bản giá dầu tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta chắc chắn cũng sẽ có khó khăn. Nước ta dù có trữ lượng dầu mỏ không nhiều so với các nước, nhưng đóng góp vào nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ cũng đáng kể. Năm 2015, ngân sách đã bị hụt thu hơn 60.000 tỷ đồng do giá dầu giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ đang giảm mạnh; năm 2015 xuống còn 6%. Mặt khác, giá dầu thế giới giảm đồng nghĩa với việc chúng ta có thể nhập khẩu xăng dầu rẻ hơn nên người dân sẽ được hưởng lợi từ một mặt bằng giá cả dễ chịu hơn; các doanh nghiệp phải sử dụng xăng dầu như nhiên liệu đầu vào cũng có lợi.

* Cách đây đúng 1 năm, khi giá dầu tuột dốc từ mức 100 USD/thùng (tháng 6-2014) xuống còn gần 50 USD/thùng vào tháng 1-2015, đã có tính toán cho rằng, giá dầu cứ giảm 1 USD thì ngân sách mất 1.000 tỷ đồng. Giờ đây, dự kiến ngân sách cũng được xây dựng trên cơ sở giá dầu cao gấp đôi thời điểm hiện tại. Cân đối ngân sách sẽ ra sao, thưa ông?

* Tôi chắc chắn rằng các cơ quan chức năng đã phải tính toán những phương án dự phòng. Rõ ràng là khi giá dầu giảm thì nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ giảm mạnh, cần có phương án bù đắp từ nguồn thu khác. Giải pháp thứ 2 là tiết kiệm chi. Và đặc biệt, cần cố gắng chuyển hóa nhanh lợi thế từ việc nhập khẩu được xăng dầu giá thấp để giảm giá thành sản xuất kinh doanh trong mọi lĩnh vực, cả giao thông vận tải cho đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.

Như thế sẽ bù lại được phần thu ngân sách bị hao hụt từ xuất khẩu dầu thô. Giải pháp tổng thể thì như thế, nhưng cách làm cụ thể thế nào thì còn phải nghiên cứu đề xuất cụ thể của các cơ quan chức năng, nhất là các Bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, dù như vậy thì mục tiêu đặt ra và dự báo cho năm 2016 về tăng trưởng kinh tế và lạm phát về cơ bản sẽ không thay đổi.

* Nghĩa là ông cho rằng chúng ta vẫn có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015 và ổn định lạm phát dưới 5% như mục tiêu Quốc hội đã thông qua?

* Đúng vậy. Tăng trưởng GDP, theo tôi, có thể đạt được như mức bình quân của 5 năm trước, tức là trong khoảng 6,5%-7%. Lạm phát, với đà như hiện nay thì tháng tết cũng như cả quý 1-2016 sẽ không có biến động lớn, dù có thể tăng nhẹ.

* Ông có nói cần chuyển hóa nhanh việc nhập khẩu được xăng dầu giá thấp thành lợi thế sản xuất kinh doanh, nhưng trên thực tế thì tác động giảm giá trong nước thường rất chậm. Như giá cước vận tải thường chùng chình mãi mới giảm, chứ không giảm theo ngay…?

* Ở đây có hai lý do. Lý do thứ nhất là tác động giảm giá có độ trễ khách quan. Giá xăng cũng liên tục giảm đấy, nhưng vẫn chậm hơn so với mức giảm giá dầu thô thế giới là bởi vì mình đã ký hợp đồng nhập khẩu từ trước rồi. Thứ hai, nền kinh tế nước ta, nhất là đối với xăng dầu và một số mặt hàng chiến lược, vẫn chưa thật sự thiết lập được cơ chế thị trường đầy đủ. Dù chúng ta đã tích cực xử lý nhưng cũng có những trường hợp điều hành chưa được linh hoạt, kịp thời như mong muốn. Tóm lại, tôi cho rằng nếu có các giải pháp hợp lý, đồng bộ; thì việc giá dầu thô giảm tuy có tạo ra một số khó khăn đáng kể, nhưng không phải là điều gì đó quá nguy hiểm hay đáng hoảng sợ.

Vả lại, trong “nguy” luôn có “cơ”. Biết đâu câu chuyện giá rét kỷ lục đang làm nhiều quốc gia phải vất vả đối phó lại thúc đẩy nhu cầu về năng lượng, đó cũng có thể là một yếu tố nâng giá dầu lên.

* Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục