Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng

Xác lập vị thế mới
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã ghi nhận định hướng “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Nhiều đại biểu tham dự Đại hội XII cũng như các chuyên gia kinh tế đánh giá cao định hướng này; và cho rằng để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, kinh tế tư nhân cần mở ra nhiều cơ hội, được cạnh tranh công bằng và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

Các đại biểu trao đổi tại đại hộ

Xác lập vị thế mới

Hiện nay, nước ta có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân, tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh (đoàn Đảng bộ tỉnh Tây Ninh) cho rằng, việc văn kiện Đại hội XII xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện Đảng và Nhà nước tiếp tục ghi nhận những đóng góp của thành phần kinh tế này vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cùng quan điểm, đại biểu Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank (đoàn Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương), phân tích: Một trong những trọng tâm để phát triển kinh tế đó là dựa vào nền tảng của kinh tế tư nhân; điều này thực sự quan trọng. Hệ thống kinh tế quốc gia có hạt nhân quan trọng là kinh tế tư nhân. “Tập trung cho kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng của văn kiện Đại hội Đảng lần này, và hết sức phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước ta hiện nay”, đại biểu Nghiêm Xuân Thành nhìn nhận.

Khẳng định trong các thành phần kinh tế, Đảng lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là rất “đúng” và “trúng”, đại biểu Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kinh Môn, Hải Dương (đoàn Đảng bộ tỉnh Hải Dương) chỉ rõ, đây là nguồn tiềm năng lớn để thúc đẩy, phát triển nền kinh tế - xã hội của nước nhà. Trong 30 năm đổi mới vừa qua, kinh tế tư nhân đã khẳng định vị thế của mình. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, để khơi dậy động lực của từng cá nhân, tổ chức, góp phần cung cấp trí tuệ nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Nhận định về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Từ nay, kinh tế tư nhân sẽ được xác lập một vị thế mới trong nền kinh tế đất nước. Trong thời bao cấp, kinh tế tư nhân không được coi trọng và bị loại bỏ. Đến thời cải cách với nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân bắt đầu được khôi phục. Và sau hơn 30 năm, bây giờ chúng ta khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Cạnh tranh công bằng, hỗ trợ nhiều hơn

Tuy nhiên, dù đang có sức vươn lên mạnh mẽ, song hiện nay quy mô và nội lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu. Thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có tới 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc, để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như trong văn kiện đã đề ra, ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, kinh tế tư nhân cũng rất cần mở ra nhiều cơ hội, được cạnh tranh công bằng và nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước.

“Chúng ta cần có định hướng rõ ràng hơn để thể chế hóa cơ chế chính sách cho phù hợp, làm sao tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân có thể phát triển đồng bộ và có hiệu quả hơn. Giải pháp công bằng là đưa ra cơ chế ưu đãi, để các thành phần kinh tế tư nhân đều có thể có sự lựa chọn cho mình một cách thích hợp nhất, từ đó có thể hoạch định đường lối phát triển cho sản xuất kinh doanh”, đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc đề xuất.

Phân tích thêm về vấn đề này, đại biểu Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông (đoàn Đảng bộ tỉnh Đắk Nông) kiến nghị, để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, cần phải có cơ chế chính sách phù hợp với từng loại hình và từng vùng, từng ngành để làm sao thành phần này thấy được sự tham gia tích cực vào nền kinh tế. Khi thấy được vai trò và trách nhiệm, những đóng góp đó là niềm vinh dự thì doanh nghiệp, doanh nhân mới có sự cố gắng triệt để.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn có một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh, có năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân thì cần đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương , một nền kinh tế xét về lý thuyết sẽ không thể phát triển được nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu. Việc hoàn thiện thể chế là do nhà nước tạo nên. Doanh nghiệp là đối tượng sử dụng thể chế nên phải có trách nhiệm thúc đẩy để hoàn thiện thể chế. TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, muốn nền kinh tế phát triển thì doanh nghiệp với tư cách là một thể chế phải được thiết kế lại.

“Ở đây nói đúng hơn là phải tái khởi động khởi nghiệp. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp phát triển theo kiểu kiếm ăn chộp giật thì thể chế doanh nghiệp đó không đúng với thị trường, nhà nước cũng khó để điều chỉnh chính sách phù hợp”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

“ Thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế, còn kinh tế tư nhân chính là động lực của nền kinh tế. Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam như con tàu cao tốc, thì đường ray chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là kinh tế tư nhân - động lực kinh tế tư nhân ”

 VŨ TIẾN LỘC
Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam


BẢO MINH


Không vơi động lực trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Một trong những điểm đáng chú ý trong văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng là giai đoạn tới phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội XII, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (ảnh) nói:

Trong văn kiện Đại hội Đảng cũng đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng thay vì ấn định thời gian thì chỉ yêu cầu “sớm”. Theo tôi, điều đó là hợp lý vì tạo sự linh hoạt hơn. Bởi lẽ, trong điều kiện diễn biến của tình hình thế giới phức tạp, thì việc chuyển thời gian phấn đấu sang “mềm” hơn là phù hợp so với việc ấn định thời gian cụ thể.

* Phóng viên: Thưa đồng chí, nếu bỏ mốc thời gian có làm giảm sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu này không?

- Đồng chí NGUYỄN VĂN GIÀU: Nói giảm tính quyết liệt trong thực hiện mục tiêu là không đúng. Bởi lẽ nội hàm không có thay đổi vì kinh tế tăng trưởng là bao nhiêu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế nào; nâng cao sức cạnh tranh ra sao… đều không có sự thay đổi về mục tiêu. Các ý kiến đóng góp các vòng, các cấp khi tổng hợp đều có sự đồng thuận vì điều đó. Tất nhiên cũng có ý kiến cho rằng, nên ấn định thời gian để mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn.

* Theo đồng chí, việc chúng ta không đặt mục tiêu có phải vì lo ngại mốc đó khó đạt như đã từng xảy ra?

- Cũng không phải như thế. Bởi vì nói định hướng, người ta có thể tính ra bằng các chỉ tiêu cụ thể. Ví dụ, tăng trưởng kinh tế bao nhiêu; thu nhập bình quân theo đầu người bao nhiêu; tăng mức sống, tăng năng suất lao động, sức khỏe, giáo dục bao nhiêu… đều có một bộ tiêu chí chỉ tiêu. Trước đây, khi đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì lúc đó cũng có 10 chỉ tiêu. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đề ra các chỉ tiêu nên theo tôi cũng không có vấn đề gì làm vơi đi động lực.

* Trong các chỉ tiêu để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, theo đồng chí chỉ tiêu nào đang là thách thức nhất?

- Nói chung, chỉ tiêu cuối cùng là nâng cao, cải thiện đời sống người dân là thách thức nhất. Đến nay, thu nhập của người dân là trên 2.100 USD/người và chúng ta phấn đấu cuối năm 2020 là 3.200 - 3.400 USD/người. Hiện nay, chúng ta vẫn đang bàn, không biết chỉ tiêu này có lên xuống nữa hay không. Để đạt được chỉ tiêu nêu trên, chúng ta đang tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế. Vấn đề lớn nhất là hiện nay chúng ta phải thực hiện được 3 đột phá chiến lược (gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...; phát triển nhanh nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng - PV).

* Người dân đang kỳ vọng phải làm thế nào để tất cả những định hướng từ văn kiện Đại hội Đảng sẽ được chuyển thành hiện thực để nâng cao được đời sống, thu nhập cho người dân. Để thực hiện được điều đó, theo đồng chí, cần phải làm gì?

- Các chính sách phải đáp ứng thực tiễn. Người dân đang chờ đợi Nhà nước nói được, làm được. Trước mắt phải khắc phục tồn tại. Sau khi chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, sau đó là kết luận của Hội nghị Trung ương 3 khóa XI... chúng ta có chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm. Trong đó đặt ra vấn đề là tái cơ cấu nền nông nghiệp. Thực ra, tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp bình quân trên 17% nhưng chiếm số lao động quá lớn và tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, chúng ta phải xem việc sản xuất loại gì, nuôi con gì, trồng cây gì mà đảm bảo cạnh tranh, có lợi nhuận cao nhất. Từng ngành phải sắp xếp lại và phải có chương trình cụ thể thì mới thành công được. Tắc khâu nào, xử lý khâu đấy. Đây phải là cộng đồng trách nhiệm, chứ không thể chỉ nói “ngành tôi” .

Hay như công nghiệp, công nghiệp nào mới then chốt, mới đầu tư để đảm bảo phát triển bền vững? Cái vướng, cái khó hiện nay là công nghiệp hỗ trợ đem lại lợi ích cao thì lại phát triển rất chậm. Những việc này phải có chương trình rất cụ thể.

Tóm lại là sau khi có nghị quyết của Đảng, từng ngành phải có chương trình cụ thể, có hành động cụ thể, đề xuất chính sách nào thì tháo gỡ chính sách đó. Vướng về luật thì Quốc hội hành động; vướng về điều hành thì Chính phủ phải lo; vướng địa phương, phải coi lại phân cấp, phân quyền. Nhưng theo tôi, vấn đề lớn nhất là vấn đề cán bộ, cùng đó là cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính là vấn đề đặc biệt. Luật không vào cuộc sống được là do bộ máy công quyền gây cản trở. Nếu ai gây cản trở, làm chậm đi nhịp độ phát triển thì ta phải loại bỏ họ.

*  Xin cảm ơn đồng chí! 


HÀ MY - HOÀI NAM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục