Ngày 23-9, Palestine đã đệ trình đơn xin gia nhập LHQ kèm theo điều kiện công nhận nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967, tức gồm khu Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem, có một số khu vực trong lãnh thổ Israel hiện nay. Sự nỗ lực của Palestine liệu có thành công?
Nỗ lực và cản lực của Mỹ
Khách quan mà nói, các đời tổng thống Mỹ đều mong muốn can dự vào tiến trình hòa bình Trung Đông với nhiều lý do. Nhưng cho đến giờ phút này, có thể nói họ thất bại bởi đã không là nhà trung gian hòa giải khách quan.
Vào tháng 9-1993, nhờ Tổng thống B.Clinton mà Thủ tướng thứ năm của Israel là Yitzhak Rabin và Tổng thống Yasser Arafat cùng ký Hiệp định Oslo trong không khí cởi mở. Đây là hiệp định đầu tiên được ký kết giữa hai quốc gia Trung Đông vốn có nhiều mâu thuẫn. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau khi ký Hiệp định Oslo (cơ chế để thành lập chính quyền quốc gia Palestine năm 1994, từ bỏ việc sử dụng công cụ khủng bố cùng các hình thức bạo động khác và thừa nhận quyền tồn tại của Israel trong hòa bình, an ninh), ông Yitzhak Rabin bị ám sát bởi Yigal Amir, một người Do Thái chính thống cực đoan cánh hữu phản đối việc ký kết hiệp định này. Vụ ám sát diễn ra vào buổi tối, khi Thủ tướng Rabin đang rời một cuộc vận động quần chúng ở Tel Aviv kêu gọi ủng hộ Hiệp định Oslo. Như vậy, Hiệp định Oslo, thành tựu mà B.Clinton tâm đắc nhất trong suốt thời gian làm chủ Nhà Trắng, không thể phát triển.
Tiếp tục đeo đuổi “sứ mệnh” gắn kết Israel - Palestine, tháng 7-2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đứng ra chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Camp David, có sự góp mặt của Thủ tướng Israel Ehud Barak và Tổng thống Palestine Yasser Arafat. Nỗ lực ngoại giao chính trị cuối cùng của ông B.Clinton trước khi rời Nhà Trắng cũng thất bại vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, bối cảnh lúc bấy giờ cho thấy sự can thiệp không phải lúc của Liên đoàn Arập khi ngăn Palestine nhượng bộ Israel, dù trước đó, Israel đã thể hiện thiện chí khi công nhận Đông Jerusalem là của Palestine cùng hàng loạt điều kiện khó có thể gặp lại lần thứ hai, như 95% Bờ Tây, toàn bộ Dải Gaza. Tuy nhiên, cộng đồng Arập lo ngại việc Israel kiểm soát phần còn lại của Bờ Tây sẽ ảnh hưởng quyền tự do đi lại và quyền hồi hương của người Palestine. Thứ hai là sức ép từ nội bộ Israel.
Một lý do khiến tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục dang dở vì sau đó, chính quyền Tổng thống Bush đã không tích cực ủng hộ khách quan cho các cuộc đàm phán hòa bình, thực hiện chính sách tạm thời không can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác, như lời bà Condoleezza Rice, từng là Cố vấn an ninh của Tổng thống Bush và Ngoại trưởng Mỹ, tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử cho ông Bush. Và Mỹ luôn dành sự ủng hộ tuyệt đối cho Israel bằng cách phủ quyết bất cứ quyết định bất lợi nào của LHQ đối với Israel. Với Mỹ, Israel là tiền đồ, công cụ để quốc gia này trấn áp Trung Đông. Chính vì điều này mà Israel càng ngang nhiên coi thường và bất chấp những nghị quyết của LHQ yêu cầu Israel rút quân ra khỏi vùng chiếm đóng.
Thảm kịch khủng bố ngày 11-9-2001 là cú sốc quá lớn đối với nước Mỹ. Sự kiện này gây ảnh hưởng mạnh mẽ chính sách ngoại giao của chính phủ Bush. Thay đổi chính sách, hướng ra bên ngoài để tìm đồng minh trong chiến tranh chống khủng bố là điều phải làm. Afghanistan, Iraq trở thành mục tiêu đầu tiên Mỹ và đồng minh hướng đến. Israel chính là “kênh tư vấn” cho chính phủ Bush khi Thủ tướng Israel lúc ấy Ariel Sharon liên tục hối thúc phải tiêu diệt Tổng thống Iraq Saddam Hussein thì mới có thể chấm dứt khủng bố ở Israel, vì cáo buộc rằng Saddam Hussein đã khuyến khích đánh bom tự sát ở Israel. Mỹ đã kết thúc cuộc đời Tổng thống Saddam Hussein đúng như Israel mong muốn.
Chính sách ngoại giao thiên vị
Theo giải pháp cụ thể về hòa bình Trung Đông có tên “Lộ trình hòa bình” (Road Map for Peace), nhà nước Palestine sẽ được khai sinh vào năm 2005 và hai dân tộc Do Thái - Arập sẽ chung sống yên ổn. Sau đó là việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và khối Hồi giáo Arập. Nhưng những mục tiêu này vẫn còn chặng đường rất dài mới đạt được!
Mỹ “chiều chuộng” đòi hỏi của Israel, yêu cầu Palestine phải dân chủ hóa và thay đổi chế độ. Một trong những mục tiêu là vô hiệu hóa ông Arafat để cô lập mạng lưới tổ chức đấu tranh vũ trang mà họ gọi là khủng bố như Hamas và Hồi giáo Jihad và chia rẽ nội bộ Palestine.
Tháng 6-2003, một cuộc đàm phán mới với sự tham dự của lãnh đạo Mỹ, Israel và Palestine đã diễn ra ở Jordan, với cam kết của hai quốc gia Trung Đông là sẽ nghiêm túc tuân thủ giải pháp “Lộ trình hòa bình”: Palestine chấm dứt đánh bom tự sát; Israel rút quân khỏi những vùng chiếm đóng lãnh thổ Palestine và ngưng việc xây dựng khu định cư Do Thái trên phần đất của Palestine, hủy bỏ hàng rào ngăn cách giữa Israel và Palestine; Israel còn phải thả hết tù chính trị của Palestine.
Tuy nhiên, Tổng thống Abbas, người kế nhiệm cố Tổng thống Arafat, dù công nhận có những tiến bộ nhưng vẫn thấy rõ ý đồ chính trị của Mỹ ép Palestine, trong khi đề cập đến chấm dứt khủng bố mà không nhắc đến việc chấm dứt những cuộc tấn công quân sự Israel thực hiện trên lãnh thổ Palestine. Mở đường cho việc bắt tay lần này là lệnh ngừng bắn trong 3 tháng giữa quân đội Do Thái và cảm tử quân Hamas, Hồi giáo Jihad. Thế nhưng, yên ổn chưa được bao lâu, hai bên lại tiếp tục giao tranh và không bên nào chịu nhận đã khơi mào. Điều Tổng thống Abbas cần là thời gian thương lượng với các nhóm cảm tử. Nhưng Israel luôn tỏ ra thiếu kiên nhẫn và sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động gây hấn nào. Điều này làm cho Mỹ trở nên bất lực. Hàng loạt vụ tấn công đẫm máu sau đó càng khiến hy vọng tiến đến hòa bình Trung Đông trở nên xa vời.
Tổng thống đương nhiệm của Mỹ, ông Barack Obama, sẽ là người đối diện với hệ quả chính sách phân biệt đối xử của chính quyền Tổng thống Bush. Tháng 9-2010, ông Obama đã tổ chức cuộc hòa đàm trực tiếp tại Nhà Trắng với sự tham dự của Tổng thống Palestine Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Thế nhưng mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ vì Mỹ không thể yêu cầu Israel chấm dứt xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình.
Các nước lớn chia rẽ
Đến nay đã có 130 quốc gia thành viên của LHQ (chiếm 2/3 tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ) công nhận Palestine. Trong HĐBA LHQ, Mỹ không thể trông chờ vào Nga và Trung Quốc, bởi hai thành viên này đã công khai ủng hộ Palestine. Washington giờ đang cố tìm kiếm sự ủng hộ của Anh, vốn đang còn lưỡng lự giữa sức ép của đồng minh Mỹ và những lo ngại về việc phản đối Palestine có thể ảnh hưởng đến vị trí của nước này ở khu vực Trung Đông, như báo Guardian phân tích. Pháp dù bày tỏ sự thông cảm với Palestine song cũng chưa công bố quyết định sau cùng. Pháp có thể sẽ ủng hộ một giải pháp thỏa hiệp cùng với Đức, nước cực lực phản đối ý định của Palestine, để giữ gìn sự thống nhất của EU.
Chính Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khối NATO, đồng minh thân cận của Mỹ, nước ủng hộ Mỹ hết mình trên chiến trường Afghanistan và tấm lá chắn cho Mỹ ở miền Bắc Iraq cũng “quay lưng” với Mỹ. Nước này gần đây có hiềm khích với Israel nên đã lên tiếng ủng hộ Palestine.
Mỹ cùng nhiều đồng minh trong khối NATO và đồng minh Israel đã sử dụng chính sách ngoại giao coi trọng quyền lợi của mình hơn quyền lợi của các dân tộc khác. Chính sách ngoại giao thiếu vô tư ấy đã dẫn đến sự nghi ngờ về thiện chí và quyết tâm của Mỹ.
Nếu LHQ chính thức công nhận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine theo đúng nguyện vọng của nước này mà không có sự ủng hộ của Mỹ thì Mỹ sẽ càng mất điểm với thế giới Arập nói riêng và Hồi giáo nói chung. Hơn nữa, đây sẽ là điểm trừ cho Tổng thống Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm 2012.
Nếu nhà nước Palestine chính thức ra đời và trở thành thành viên LHQ có thể nói là nhờ vào cuộc đấu tranh bền bỉ của chính nhân dân Palestine với sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Mọi sự áp đặt, can thiệp từ các nước lớn đều không mang lại hòa bình cho vùng đất này.
Những vấn đề tồn đọng - Đông Jerusalem: Phần phía Đông của TP Jerusalem bị chiếm đóng bởi Jordan trong chiến tranh Arập - Israel 1948 và sau đó bị Israel chiếm trong chiến tranh năm 1967. Luật của Israel từ năm 1980 tuyên bố, Jerusalem như thủ đô vĩnh viễn, không bị chia cách của Israel, trong khi Đông Jerusalem lại được cho là thủ đô đang được chờ đợi của đất nước Palestine tương lai. Việc Israel triển khai xây dựng các khu định cư Do Thái tại đây ngày càng khiến quan hệ Israel - Palestine căng thẳng. - Cuộc chiến tranh giành độc lập 1948-1949 dẫn tới việc lãnh thổ Israel tăng thêm 50%, gồm cả phần Tây Jerusalem. Hậu quả, khoảng 711.000 người Arập trở thành người tị nạn và hơn 800.000 người Do Thái cũng rơi vào tình trạng tương tự. Người tị nạn Do Thái đã định cư tại nhà nước Israel, họ không có ý định và cũng không muốn quay trở lại những quốc gia cũ. Nhiều người tị nạn Arập và con cháu họ hiện sống trong lãnh thổ Israel đang trông chờ ngày hồi hương về quốc gia độc lập Palestine. Một bộ phận dân chúng khác tới bây giờ vẫn sống trong những trại tị nạn do Cơ quan Cứu trợ và Lao động LHQ thành lập cho những người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông (UNRWA). Họ là nhóm người tị nạn duy nhất không được các quốc gia thu nhận từ giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai. |
Xuân Hạnh - Thanh Hằng - Như Quỳnh (tổng hợp)
- Bài 1: Cuộc xung đột dài nhất lịch sử