Kỷ niệm 60 năm ngày điện ảnh cách mạng Việt Nam: Vinh quang và thách thức

Sáng 14-3, các nghệ sĩ của nhiều thế hệ điện ảnh đã tề tựu về Hà Nội long trọng kỷ niệm 60 năm ngày ra đời điện ảnh cách mạng. Đó là một chặng đường chưa hẳn dài nhưng chứa đựng bao vinh quang và vô vàn thách thức phía trước.
Kỷ niệm 60 năm ngày điện ảnh cách mạng Việt Nam: Vinh quang và thách thức

Sáng 14-3, các nghệ sĩ của nhiều thế hệ điện ảnh đã tề tựu về Hà Nội long trọng kỷ niệm 60 năm ngày ra đời điện ảnh cách mạng. Đó là một chặng đường chưa hẳn dài nhưng chứa đựng bao vinh quang và vô vàn thách thức phía trước.

  • Một thời hào hùng

Ngày 15-3-1953, tại Đồi Cọ, Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng nước ta. Từ đây, tên tuổi của các bậc tiền bối điện ảnh như Mai Lộc, Khương Mễ, Nguyễn Thế Đoàn, Nguyễn Hồng Nghi, Tiến Lợi, Pham Văn Khoa… đã đi vào lịch sử Việt Nam.

Trong suốt chặng đường 60 qua, Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng ngàn nghệ sĩ và các nhà hoạt động điện ảnh Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà điện ảnh lão thành, các nghệ sĩ-phóng viên chiến trường và thế hệ các nhà điện ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền Điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hàng trăm bộ phim tài liệu, khoa học, phim truyện, phim hoạt hình; hàng trăm nghệ sĩ, nhà làm phim xuất sắc đã được trao giải thưởng cao quý tại các kỳ Liên hoan phim quốc gia và quốc tế, khẳng định vai trò của điện ảnh trong đời sống tinh thần của nhân dân, xác lập vị trí của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Một cảnh trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

Một cảnh trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

Trong ngày hội 60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam sáng qua tại Hà Nội, hầu như tất cả các nghệ sĩ lão thành đều có mặt, NSND Bùi Đình Hạc, NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, đạo diễn - NSND Bùi Huy Thành, NSND Ngô Mạnh Lân, NSND Lan Hương… Bên cạnh sự trẻ trung của các thế hệ điện ảnh đương đại như Võ Hoài Nam, Vũ Hải Yến, Ngô Thanh Vân… đã tề tựu chung trong một ngôi nhà. Bao nhiêu kỷ niệm đã được nhắc lại, hình ảnh tư liệu từ những thước phim đen trắng trong Cánh đồng hoang, Đến hẹn lại lên, Bài ca ra trận, Chung một dòng sông lướt qua trên màn hình càng khiến mọi người tự hào về những gì mà điện ảnh đã đóng góp cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

  • Làm gì để tồn tại?

Cũng tại đây, lần đầu tiên bộ phim tài liệu của đạo diễn Nguyễn Thước về điện ảnh Việt Nam đã được trình chiếu ra mắt, đem đến cho người xem bức tranh toàn cảnh về chặng đường 60 năm thăng trầm của điện ảnh nước nhà. Ở những năm còn non nớt ấy, họ đã làm điện ảnh mà không có điện, đã phải tận dụng những chiếc máy quay phim cũ để in tráng phim, đã in phim trong buồng tối di động là những con thuyền lênh đênh trên sông nước Đồng Tháp Mười chỉ với một ngọn đèn măng xông.

Thế nhưng vượt qua khó khăn thiếu thốn, bộ phim đầu tiên Chiến trận Mộc Hóa của ba tác giả Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn chiếu cho nhân dân Đồng Tháp Mười xem vào ngày 24-12-1948 đã làm nức lòng người vì lần đầu tiên, nhân dân được thấy bọn giặc Pháp giơ tay lũ lượt ra hàng bộ đội ta trong những thước phim sống động trên màn ảnh.

Tự hào với những thành tựu của ngành điện ảnh có được, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cũng thẳng thắn bày tỏ sự lo lắng với sức sống của điện ảnh nước nhà. Ông nhấn mạnh: Chúng ta có quyền tự hào với những đóng góp to lớn, những nỗ lực, sự cố gắng và cả tinh thần sẵn sàng hy sinh để khẳng định sức sống của một ngành nghệ thuật tổng hợp mang hơi thở cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật kể cả khách quan, chủ quan, những hạn chế, những yếu kém, những bất cập mà vị thế của Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt. Đó là sự khiêm tốn và lép vế, chưa đáp ứng lòng mong đợi của những người hâm mộ trong cả nước.

Thực tế, 60 năm đã qua song điện ảnh Việt Nam vẫn đang đối mặt với muôn vàn thách thức từ rạp chiếu với những suất phim ngoại đang dần phủ kín đến việc nghệ sĩ ở các hãng phim Nhà nước lương bị cắt giảm chỉ còn 2/3, sản lượng phim mỗi năm lại teo đi một ít, khán giả ít đến rạp xem phim Việt… Và hơn hết, điện ảnh đang phải đối mặt với bài toán khó hơn cả là làm thế nào để khơi lại được tình yêu điện ảnh trong mỗi nghệ sĩ, thúc đẩy họ có những sáng tạo, đóng góp cho nghệ thuật như trước.

20 nghệ sĩ lão thành được nhận bằng khen của Bộ VH-TT-DL trong lễ kỷ niệm sáng qua là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của điện ảnh bưng biền (Đồng Tháp Mười), điện ảnh đồi cọ (Thái Nguyên) trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam. Gần 300 nghệ sĩ điện ảnh và những nhà hoạt động điện ảnh đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ càng cho thấy những máu xương thầm lặng của bao nhiêu thế hệ đã đóng góp cho lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Nói về thời xưa, chúng tôi chỉ thấy nuối tiếc, nuối tiếc vì đã có một thời, những người làm điện ảnh chỉ biết làm vì nghệ thuật, không hề biết đến cát-xê là gì, chỉ mong muốn làm thế nào để cống hiến nhiều nhất cho đất nước”.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục