Soạn, giảng bài bằng tiếng Việt
Ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ, cho rằng những gì giáo dục kháng chiến Nam bộ đã làm được trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề và dưới bom đạn của quân thù, có những việc làm tưởng chừng như bình thường, nhưng thực chất là những điều kỳ diệu. Ngày nay, dạy và học bằng tiếng Việt, theo chương trình và sách giáo khoa của Việt Nam là việc đương nhiên.
Tuy nhiên, cách đây 60 - 70 năm, khi mà giáo dục trong các đô thị bị tạm chiếm cơ bản còn lệ thuộc nước ngoài, thì trong vùng tự do của chiến khu rừng U Minh, Sở Giáo dục Nam bộ đã tổ chức cho các trường dạy và học bằng tiếng Việt. Sách giáo khoa bằng tiếng Việt là một dấu ấn đặc biệt ý nghĩa của giáo dục kháng chiến Nam bộ, hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào nền giáo dục ngoại lai.
Ông Tuấn nhớ lại, không bao lâu sau khi thành lập (1947), Sở Giáo dục và Viện Văn hóa kháng chiến Nam bộ được giao nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn để “biến con em nông dân thành trí thức cách mạng”.
Những người đã từng công tác, dạy và học trong nền giáo dục kháng chiến ở Nam bộ có dịp hội ngộ tại TPHCM
Cụ thể là tổ chức các trường trung học nội trú trong chiến khu. Nhiệm vụ vinh dự, nhưng thực hiện lại là điều cực kỳ khó khăn. Cái khó không bó cái khôn, từng khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi đã được giải quyết. Về việc tìm thầy dạy bậc trung học, sở và viện quyết định mở lớp “Sư phạm Văn hóa đặc biệt khóa Phan Châu Trinh” để đào tạo giảng viên trung học, chiêu sinh được gần 100 người.
Về giáo trình, các giáo sư đi kháng chiến đã quen dạy bằng tiếng Tây (Pháp), theo chương trình và sách giáo khoa của Tây. Việc dạy bằng tiếng Việt, theo chương trình của Việt Nam, không phải là chuyện đơn giản. “Bàn cãi mãi, cuối cùng chúng tôi quyết định: những môn khoa học tự nhiên thì lấy sách vở, chương trình của Tây rồi dịch ra dạy; những môn khoa học xã hội thì dạy phải có nội dung yêu nước, căm thù giặc. Thế là bắt đầu hàng đêm, bên cạnh ngọn đèn dầu leo lắt, các giáo sư cặm cụi làm việc. Tay phải viết bài, tay trái không ngừng đuổi muỗi U Minh kêu như sáo thổi. Những bài giảng, những trang sách bằng tiếng Việt ra đời”, ông Tuấn hồi tưởng.
Kỳ tích cũ, bài học mới
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nam bộ nằm trong tình hình chung của cả nước là 90% người dân mù chữ. Lúc đó, Nam bộ “nóp với giáo mang ngang vai” chống lại máy bay, xe tăng, đại bác, tàu chiến của giặc, nhưng vẫn không quên một nhiệm vụ rất cao đẹp là chống giặc dốt, nâng cao kiến thức cho nhân dân.
Ngành giáo dục Nam bộ đã rất phát triển thành quả của bình dân học vụ, xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông. Đến năm 1952, có gần 3 triệu người thoát nạn mù chữ. Không những thế, giáo dục Nam bộ còn đào tạo một thế hệ cán bộ, đảng viên có học thức đáp ứng yêu cầu lãnh đạo và tham gia kháng chiến trên nhiều lĩnh vực.
Một câu hỏi được đặt ra là nhờ đâu mà giáo dục kháng chiến Nam bộ đạt được thành quả như vậy? Ông Võ Anh Tuấn cho rằng, trước hết là cả người dạy và người học ngay từ đầu đều xác định đúng đắn mục tiêu học tập: Học để làm người, để phục vụ nhân dân, góp phần để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.
Liên hệ với việc dạy và học hiện nay vốn đang nhận nhiều lời ca thán, ông Tô Bửu Giám, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên giảng sư Trung học Văn chính Khu 9, đánh giá ngoài sự nhiệt tình dạy học, một kinh nghiệm hay trong giáo dục kháng chiến là cách dạy: rất hấp dẫn, thiết thực, sát thực tế.
Ông Tô Bửu Giám cho rằng, điều này cần được vận dụng để xây dựng được thế hệ công dân mới như Bác Hồ từng mong mỏi, đó là “tránh đưa vào đời những công dân có văn hóa nhưng không có đạo đức, có lý thuyết nhưng không có thực hành, có tri thức lại không có kỹ năng lao động, có hoạt động mà không có thái độ đúng.
Nhớ lại những ngày tháng dưới mái lá ngôi trường trong rừng tràm U Minh, bà Nguyễn Thị Liễu, nguyên nhân viên Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ, chia sẻ rằng thầy và trò ngày ấy quây quần bên nhau như một đại gia đình. Trường bà Liễu học là Trường Trung học Bạc Liêu. Trước khi vào học, bà phải thi tuyển nghiêm ngặt, trong hoàn cảnh chiến tranh, máy bay giặc bắn phá. Thầy và trò lúc nào cũng ba lô sẵn sàng, có còi báo động là quàng lên vai, nhanh chóng rút sâu vào rừng. Theo bà Liễu, cuộc sống vật chất khốn khó trăm bề nhưng chất lượng dạy và học bảo đảm tối đa.