Lại chạy đua lên Mặt trăng

Lại chạy đua lên Mặt trăng

Nếu như cuộc đua lần trước chỉ diễn ra giữa Mỹ và Liên Xô thì cuộc chạy đua giành ảnh hưởng lên Mặt trăng trong thế kỷ 21 có thêm Trung Quốc và Ấn Độ. Cuộc đua lần này không đơn giản chỉ đặt chân lên Mặt trăng mà còn thiết lập nhiều cơ sở cho việc nghiên cứu lâu dài trên hành tinh này.

Tại Nga, tập đoàn không gian và tên lửa Energia có kế hoạch xây dựng một địa điểm trên Mặt trăng chuyên sử dụng cho các chuyến bay lên Mặt trăng kèm theo một hệ thống vận tải không gian mới. Theo chủ tịch tập đoàn, trong tương lai gần, các cuộc nghiên cứu về không gian sẽ thường xuyên hơn, do đó cần một trạm không gian trên Mặt trăng và trạm này cũng là điểm dừng cho các chuyến bay tới nhiều hành tinh khác.

Lại chạy đua lên Mặt trăng ảnh 1

Người Mỹ cũng không chịu thua khi Cơ quan không gian Mỹ (NASA) tuyên bố sẽ đưa người lên Mặt trăng, tiếp tục sứ mệnh của các con tàu Apollo. Chương trình chi phí 104 tỷ USD kéo dài 13 năm của NASA đã được Tổng thống Bush chấp thuận. Cũng giống như Nga, Mỹ sẽ xây dựng một trạm cố định trên Mặt trăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu sao Hỏa.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ cho biết cần có thêm thời gian để chứng tỏ năng lực của NASA sau giai đoạn khủng hoảng niềm tin xung quanh hàng loạt sự cố của các tàu con thoi và chương trình viễn vọng kính Hubble. Chưa kể là hiện nay Mỹ xem như chưa đóng góp gì nhiều cho việc hoàn thiện trạm không gian quốc tế ISS.

Mặc dù đi sau Mỹ và Nga, nhưng việc Trung Quốc đưa người lên vũ trụ thành công qua 2 lần phóng tàu không gian Thần Châu (ảnh) cho thấy, giờ đây kế hoạch đưa tàu có người lên Mặt trăng vào năm 2010 của nước này rất khả thi. Một công ty của Trung Quốc còn dám tuyên bố sẽ kinh doanh đất trên Mặt trăng (chính quyền thành phố Bắc Kinh đang điều tra làm rõ vấn đề).

Thậm chí, một số nhà khoa học cho rằng, lần này, người Trung Quốc sẽ đặt chân lên Mặt trăng trước cả Mỹ. Theo ông John Pike, Giám đốc mạng GlobalSecurity.org, các tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa các con tàu loại lớn quay xung quanh quỹ đạo Mặt trăng.

Ngoài 3 đại gia Mỹ, Nga và Trung Quốc, Ấn Độ cũng đề ra chương trình đầy tham vọng, theo đó sẽ đưa người lên Mặt trăng vào năm 2007.

Huy Quốc (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục