Làm luật và giám sát cần thực chất hơn

Hiệu quả giám sát chưa như mong muốn

Ngày 23-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009. Chiều cùng ngày, QH nghe và thảo luận về báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác thi hành án.

Hiệu quả giám sát chưa như mong muốn

Nhiều ĐBQH cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) còn nhận xét đây là khâu yếu nhất trong các hoạt động của Quốc hội.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết, hiện nay đi giám sát chủ yếu vẫn là nghe báo cáo, không có thời gian đi sâu làm rõ nhiều vấn đề. ĐB Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cũng đồng tình rằng, do 2/3 ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho nhiệm vụ giám sát không nhiều. Theo bà Hồng, chính vì đặc điểm như vậy, hoạt động giám sát của Quốc hội nên chọn lọc hơn, làm ít hơn nhưng có chất lượng, đi được tận cùng vấn đề.

ĐB Trần Du Lịch kiến nghị các chuyên đề giám sát cần đi sâu hơn, làm thực chất, phân tích rõ các nguyên nhân, đưa ra được kiến nghị giải quyết. Kinh nghiệm là nếu đoàn giám sát có đại diện các bộ, ngành liên quan tham gia thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. “Giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, nếu chỉ báo cáo nắm tình hình là không ổn” - ĐB Trần Du Lịch nói. Nhiều đại biểu đề nghị trong năm 2009, nên chọn 2 chuyên đề giám sát là: chương trình giáo dục phổ thông và việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tuy nhiên, ĐB Trần Đình Long (Đắc Lắc) đề nghị, với chuyên đề giám sát về giáo dục phổ thông nên khoanh lại cho gọn hơn, vì nếu chủ đề rộng quá, hiệu quả giám sát sẽ không cao. ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) cũng đồng tình rằng cần thực hiện chuyên đề giám sát sâu về giáo dục phổ thông, bởi những vấn đề bức xúc như quá tải, giáo dục kiểu “nhồi nhét”… nói mãi mà vẫn chưa có sự cải thiện.

Hoạt động lập pháp: QH chưa chủ động “đặt hàng” Chính phủ

Đó là ý kiến của ĐB Phan Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. “Vừa qua có tình trạng cơ quan xây dựng được luật gì hòm hòm thì xin trình luật đó và QH chấp nhận có phần dễ dãi! Lẽ ra QH cần căn cứ tình hình kinh tế - xã hội trong tầm nhìn dài hạn để yêu cầu Chính phủ hoặc các cơ quan xây dựng luật tập trung làm gì trước, làm gì sau; không hoàn thành đúng hạn thì phải nói rõ xin hoãn trình bao lâu; nếu lý do không hợp lý phải có hình thức xử lý”. ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) chia sẻ quan điểm này và cho rằng, quy định “dùng một luật để sửa nhiều luật” rất tiến bộ, tới đây cần được vận dụng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật, nếu không sẽ không thể hoàn thành kế hoạch lập pháp đã đề ra cho nhiệm kỳ QH.

Về các dự án luật cụ thể trong chương trình, ĐB Dương Văn Trang (Gia Lai) tỏ ra rất sốt ruột vì dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai “lỗi hẹn”, cũng có nghĩa là sớm nhất phải giữa năm 2010 mới có thể đi vào cuộc sống, chính là văn bản được khá nhiều ĐBQH yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để QH xem xét, thông qua sớm, nhằm giải quyết bức xúc rất lớn của xã hội hiện nay. Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị trong năm 2009, Quốc hội cần ưu tiên xây dựng các luật liên quan đến hoàn thiện thị trường tài chính và thị trường bất động sản, bởi đây chính là nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô trong thời gian qua.

Công tác phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu

Thảo luận về các báo cáo của cơ quan tư pháp, nhiều ý kiến ĐBQH tỏ ra lo ngại về tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật gia tăng. Tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao, vi phạm pháp luật môi trường một cách tinh vi… cũng là những biểu hiện mới cần sớm có giải pháp tích cực, hiệu quả để ngăn chặn.

Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) cũng được một số đại biểu nhìn nhận là chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của quần chúng nhân dân. Việc xây dựng thể chế về PCTN chậm, trong đó phải kể tới việc chưa hoàn thành chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020, đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Với những vụ tham nhũng đã có kết luận, việc thu hồi tài sản và khắc phục hiệu quả do tham nhũng gây ra làm chưa tốt (chỉ thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng trên 6.700 tỷ đồng phải thu hồi). Công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, đề nghị xử lý kỷ luật 328 tập thể với 1.716 cá nhân, nhưng chỉ kiến nghị xử lý 119 vụ với 134 đối tượng, được coi là chưa thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này.

Hàm Yên – Anh Phương

Tin cùng chuyên mục