(SGGP).- Sáng 23-1, lễ viếng đồng chí Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TPHCM).
Trong ngày, các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tỉnh TP; các tổ chức, cá nhân đã đến viếng Trung tướng Nguyễn Thới Bưng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng đã gửi vòng hoa đến viếng Trung tướng Nguyễn Thới Bưng.
Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa viếng Trung tướng Nguyễn Thới Bưng. Chia buồn sâu sắc với gia quyến đồng chí Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng ghi vào sổ tang: “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (Út Thới), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, của miền Đông Nam bộ gian lao anh dũng. Người đảng viên Cộng sản trung kiên. Vị tướng lĩnh tài năng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Người cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chúng tôi ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta”.
Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa viếng và chia buồn với gia quyến Trung tướng Nguyễn Thới Bưng. Các đồng chí nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cũng đã đến viếng và chia buồn với gia quyến đồng chí Trung tướng Nguyễn Thới Bưng.
Cùng ngày, đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TPHCM do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải dẫn đầu; đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến đặt vòng hoa viếng và chia buồn với gia quyến Trung tướng Nguyễn Thới Bưng. Thượng tướng Nguyễn Thành Cung trân trọng ghi trong sổ tang: “Trải qua hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí luôn nêu cao phẩm chất của người đảng viên Cộng sản, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ toàn quân nguyện học tập và noi theo tấm gương đạo đức của đồng chí”.
Lễ truy điệu Trung tướng Nguyễn Thới Bưng sẽ được tổ chức vào lúc 6 giờ 30 ngày 25-1.
HỒNG HIỆP
Anh Út Thới trong Tết Mậu Thân 1968 Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi vinh dự được gắn bó khá lâu với Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (mà mọi người thân mật gọi là anh Út Thới) khi còn ở Sư đoàn 9, một đơn vị được hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT ND. Nay bỗng nghe tin anh ra đi về cõi vĩnh hằng, lòng tôi cứ rưng rưng và kỷ niệm sâu sắc nhất chợt ùa về… Cuối năm 1967, anh Út Thới là Tư lệnh phó Sư đoàn 9, còn tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 (hay còn gọi là Trung đoàn Bình Giã Anh hùng). Lúc đó tôi được lệnh chuẩn bị điều nghiên chiến trường để mở Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Đơn vị tôi được giao đánh vào mục tiêu căn cứ Quang Trung của địch đóng tại huyện Hóc Môn, nơi có khoảng 8.000 tân binh ngụy đang huấn luyện tại đó. Trước nhiệm vụ quan trọng này tôi không khỏi lúng túng vì không hề biết đường ngang ngõ tắt vào Sài Gòn, nhất là các hướng đánh vào căn cứ Quang Trung khét tiếng của địch. Chính lúc bối rối ấy, anh Út Thới tới gặp tôi vỗ vai: “Để tôi cùng đi với đồng chí…”. Tôi như mở cờ trong bụng vì biết anh đã từng sống, chiến đấu một thời gian dài ở Hóc Môn trong thời kháng chiến chống Pháp, từng là Đại đội trưởng Đại đội địa phương quân Hóc Môn. Hơn thế, anh nổi tiếng là một vị chỉ huy đầy mưu trí, dũng cảm, ngoan cường… Sự có mặt của anh không những động viên tinh thần chúng tôi mà còn báo hiệu một niềm tin chiến thắng. Tưởng là xong nhiệm vụ, nhưng một khó khăn mới lại nảy sinh là làm thế nào để đưa cả trung đoàn (gồm 1.500 quân) hành quân về căn cứ Quang Trung đúng giờ G, ngày N (tức 0 giờ ngày 30 Tết năm 1968) để đánh địch bất ngờ. Trên đường trở về căn cứ cách mạng ở Tây Ninh, tôi và Út Thới vừa đi vừa bàn bạc cách thực hiện nhiệm vụ hóc búa này. Khi đi ngang Bến Củi gần bờ sông Sài Gòn, Út Thới chợt nảy ra sáng kiến đến gặp anh Mười Bị là cơ sở cách mạng của ta bàn thử xem sao. Anh nói với Mười Bị: “Làm thế nào để đưa quân Trung đoàn 1 đi bằng đường thủy xuống căn cứ Quang Trung an toàn, đúng giờ?”. Mười Bị bảo: “Chỉ có cách đi bằng đường thủy vì ít gặp địch đi tuần nhưng ngặt nỗi tàu chỉ chở được 1 tiểu đoàn (gồm 350 người) là tối đa, vì phía trên còn phải dùng gạo ngụy trang để che mắt địch...”. Anh Út Thới liền tính nhanh: “Trận đánh đòi hỏi yếu tố chính xác, bất ngờ, chắc thắng, nếu ta hành quân bằng đường bộ cả ngàn người sẽ bị lộ ngay, còn đi đường thủy chỉ được 1 tiểu đoàn, nhưng an toàn như vậy thì chỉ cần một tiểu đoàn tấn công địch cũng được!”. Trước sự quyết đoán của anh Út Thới, ngay sau khi về căn cứ, Trung đoàn 1 quyết định chỉ đưa Tiểu đoàn 3 tiến đánh căn cứ Quang Trung. Đợi đêm xuống, bộ đội Tiểu đoàn 3 xuống tàu xuôi theo sông Sài Gòn bí mật đổ bộ lên khu vực Rạch Tra, huyện Hóc Môn rồi bao vây căn cứ Quang Trung và khai hỏa đúng 0 giờ đêm giao thừa Xuân Mậu Thân 1968. Chỉ trong vòng hơn một giờ, Tiểu đoàn 3 đã chiếm lĩnh hoàn toàn căn cứ Quang Trung trước sự kinh hoàng của kẻ địch, buộc hàng ngàn tên địch phải buông súng đầu hàng. Đại tá VÕ MINH TRIẾT (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 Anh hùng; nguyên Tư lệnh Công binh Miền) MINH NGỌC (ghi) |