Các mẫu máy tính lai giữa laptop và máy tính bảng (PC hybrid) đang được xem là hướng đi mới đầy tiềm năng của ngành công nghiệp PC trước sự tấn công mạnh mẽ của hàng loạt thế hệ máy tính bảng (tablet).
Không chỉ trang bị màn hình cảm ứng, các thiết bị lai này còn giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa hai nhu cầu: làm việc và giải trí di động. Năm 2011, các mẫu máy tính bảng chạy Android được bổ sung bàn phím ra đời với sự góp mặt của Asus Slider SL 101 thiết kế trượt và Asus Transfomer Tab màn hình rời. Sang năm 2012, thị trường tablet lai càng phong phú cùng sự ra mắt của Windows RT với các đại diện như Lenovo Ideapad Yoga 11 sử dụng màn hình xoay hay Microsoft Surface có bàn phím đồng thời là bộ vỏ (case). Kế đến, không thể không nhắc đến loạt laptop biến hình với các kiểu màn hình xoay, lật, trượt và hai màn hình như Lenovo Thinkpad Twist, Sony Vaio Duo 11, Toshiba Satellite U920T, Dell XPS Duo 12 hay Asus Taichi…
Tuy nhiên, cũng như các “con lai” trước đây, dòng thiết bị PC hybrid này bị đánh giá là có thiết kế, cấu hình và nền tảng không tốt cho một mục đích nào. Vì được “lai ghép” nên mỗi thiết bị đều phải “hy sinh” mỗi tính năng một ít, chẳng hạn cấu hình có thể thấp hơn, bàn phím nhỏ hơn so với laptop; tính di động, trọng lượng lại không sánh bằng tablet. Ngoài ra, một số laptop biến hình có phần bàn phím quá nhẹ nên dễ bị lật khi sử dụng màn hình cảm ứng.
Dưới đây là một số mẫu laptop “lai” máy tính bảng chạy bằng Window 8 thịnh hành với mức giá trên dưới 20 triệu đồng.
Acer Iconia W700 (Core i5-3317U 1,7GHz, 4GB RAM)
Với màn hình độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, vi xử lý Intel Core i5 tốc độ 1,7 GHz, Acer Iconia W700 được xem là một trong mẫu máy tính bảng 11,6 inch tốt nhất. Ngoài ra, thời lượng pin máy cũng khá ấn tượng với hơn 7 giờ xem video. Tuy nhiên, máy không được bán kèm chuột quang, touchpad, dock thậm chí bàn phím. Nếu muốn có những thiết bị ngoại vi này, người dùng phải bỏ thêm tiền.
Dell XPS 12 (Core i5-3317U 1,7GHz, 4GB RAM)
Dell XPS 12 có bộ khung bằng nhôm và sợi carbon mang đến sự chắc chắn và sang trọng, phần cứng mạnh mẽ và giá cả cũng khá cạnh tranh. Thiết kế độc đáo với màn hình xoay 180 độ giúp người dùng dễ dàng làm việc bằng laptop hoặc sử dụng như một máy tính bảng. Ngoài ra, XPS 12 còn được trang bị màn hình cảm ứng đa điểm 12,5 inch, độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel (full HD). Bề mặt màn hình còn có thêm lớp kính cường lực Gorilla Glass có khả năng chịu lực, chống trầy xước. Bàn phím kiểu chiclet tích hợp đèn nền LED tiện dụng hơn khi sử dụng trong môi trường thiếu sáng. XPS 12 có giá khác nhau cho bản sử dụng vi xử lý Core i5, ổ SSD 128GB và bản Core i7, ổ SSD 256GB. Điểm yếu của máy là thời lượng pin thấp và làm việc tốt ở chế độ laptop hơn máy tính bảng.
HP Envy x2 (Intel Atom 1,8GHz, 2GB RAM)
HP Envy x2 là lựa chọn hoàn hảo cho người dùng quan tâm đặc biệt đến thời lượng pin. Thiết bị còn có vỏ nhôm sang trọng và dễ dàng biến thành laptop khi được lắp với bàn phím rời bán kèm. Mặc dù vậy, điểm yếu của máy là việc đáp ứng trễ, nút nguồn và âm thanh quá phẳng với thân máy.
Lenovo IdeaPad Yoga 11 (Nvidia Tegra 3,2GB RAM)
Lenovo IdeaPad Yoga 11 dùng Windows RT (một phiên bản của Windows 8), được trang bị chip xử lý Nvidia Tegra 3. Có màn hình xoay 360 độ để chuyển đổi chế độ laptop và máy tính bảng nhưng Lenovo IdeaPad Yoga 11 lại có độ phân giải màn hình thấp, giá bán đắt hơn các đối thủ khác và chưa đủ ứng dụng cho hệ điều hành Windows RT.
Microsoft Surface Pro (Core i5-3317U 1,7GHz; màn hình 10,6 inch)
Điểm mạnh của Microsoft Surface Pro là cho phép người dùng trải nghiệm đầy đủ ultrabook trên một chiếc máy tính bảng nhỏ gọn. Bên cạnh đó là thiết kế bóng bẩy, màn hình 1.080 pixel sắc nét, giao diện dễ dùng. Tuy vậy, thời lượng pin thấp, thiếu cổng kết nối, bộ nhớ 64GB hạn chế không gian lưu trữ là những nhược điểm của Microsoft Surface Pro.
Toshiba Satellite Ultrabook (Intel Core i5-3317U 1,7GHz, 4GB RAM)
Toshiba Satellite Ultrabook sở hữu màn hình cảm ứng 12,5 inch độ phân giải 1.366 x 768 pixel, có phủ lớp kính chống trầy Gorilla Glass, Với trọng lượng 1,36kg, Satellite Ultrabook được trang bị card đồ họa GPU Intel HD 4000, ổ SSD dung lượng 128 GB. Máy được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows 8 bản quyền 64 bit.
Sản phẩm của Toshiba cũng khá đầy đủ cổng kết nối như một laptop thông thường, bao gồm: USB 3.0, HDMI, jack tai nghe 3,5 mm, Wi-Fi, Bluetooth, Intel Wireless Display, NFC...
Sony Vaio Duo 11 (Intel Core i3, i5 hoặc i7, 4 GB RAM)
Sony luôn là một thương hiệu cao cấp và Vaio Duo 11 cũng không phải là một sản phẩm ngoại lệ. Vỏ máy được làm bằng nhôm và màn hình bằng kính tạo sự cứng cáp. Vaio Duo 11 sở hữu màn hình độ phân giải cao FullHD với tấm nền “siêu sáng” OptiContrast cho màu sắc rất đẹp.
Máy có tùy chọn RAM 4GB hoặc 8GB, SSD 128GB hay 256GB, tất cả nằm trong thân máy nặng 1,3kg và dày 17,85mm khi gập lại. Duo 11 chạy trên vi xử lí Intel Core i3, i5 hoặc i7 dòng ULV (tiết kiệm điện) thuộc thế hệ Ivy Bridge kết hợp với card đồ họa Intel HD 4000.
5. Asus Taichi (Intel Core i5 hoặc Core i7, 4GB RAM)
Sử dụng tấm nền IPS/FHD cùng đèn nền LED có độ phân giải 1.900 x 1.280 pixel, màn hình của Asus Taichi có hai phiên bản là 11,6 inch và 13,3 inch.
Khi mở nắp máy, sản phẩm này giống như laptop thông thường với bàn phím liền song khi đóng nắp máy, người dùng có thể nhấn phím Windows bên ngoài để kích hoạt màn hình phía trên và sử dụng như máy tính bảng.
Về cấu hình, Asus Taichi được trang bị bộ vi xử lý Core i5 hoặc Core i7 của Intel, RAM 4GB và ổ SSD 128GB hoặc 256GB cho từng phiên bản khác nhau. Các thông số kỹ thuật khác: card đồ họa Intel HD 4000 Graphics, cổng USB 3.0, camera 5 “chấm” và webcam có khả năng quay video 720p...