Lỗi tại ai?

Câu chuyện thương tâm về một nam sinh lớp 6 Trường THCS Trần Quang Khải (quận Tân Phú, TPHCM) vừa bị đuối nước trong giờ học bơi đầu tiên lại khiến người lớn, phụ huynh ở TPHCM giật mình!

Đưa con đi học bơi và chờ đón con về tại hồ bơi của Trường THPT Tây Thạnh nhưng mẹ của Quách Gia Phú không thể tin nổi đôi mắt trong sáng, thơ ngây của đứa con yêu quý đã khép lại cùng với ước mơ học hành dang dở. Thổ lộ trong nỗi đau tột cùng, mẹ của nạn nhân nói rằng, có người mẹ nào nghĩ con mình đi học bơi mà chết vì đuối nước đâu. Vì thầy cô tắc trách mà con tôi phải chết?

Ngập trong dòng nước mắt tiễn biệt một thiên thần áo trắng, người thân, thầy cô và bạn bè của em nghẹn ngào, đau xót. Trong giờ học bơi cùng hơn 100 học sinh khác của trường, Phú được xếp vào nhóm biết bơi (mặc dù mẹ em khẳng định rằng em không biết bơi). Và trong lúc thầy cô giáo tập trung chỉ dẫn học sinh không biết bơi đu bám thành hồ và trên hồ thì khu vực có nhóm học sinh biết bơi không có ai quan sát, quản lý. Do thấy Phú nằm dưới nước quá lâu không ngoi lên, một bạn học bơi cùng đã hô hoán, báo cho thầy cô đưa em lên bờ sơ cấp cứu. Em được đưa đến cơ sở y tế gần nhất nhưng tim đã ngừng đập!

Dạy học sinh biết bơi là chủ trương đúng đắn của Sở GD-ĐT TPHCM từ năm học này và hướng tới mục tiêu phổ cập bơi lội cho tất cả học sinh TP, nhiều trường phổ thông đã triển khai chương trình này. Nhờ quyết tâm của ngành GD-ĐT TPHCM, nhiều học sinh bậc phổ thông đã được học bơi, trang bị kỹ năng bơi lội đang thiếu hụt. Thế nhưng, nhìn từ sự cố đau lòng xảy ra như trên, dư luận lại băn khoăn, lo lắng và đặt vấn đề về cách tổ chức, triển khai học bơi sao cho an toàn? Theo hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải, nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty Phát triển thể thao cộng đồng với điều khoản chặt chẽ đảm bảo an toàn khi dạy bơi cho học sinh. Và để quản lý học sinh của mình, nhà trường đã cử 2 giáo viên đi theo hỗ trợ, giám sát. Đơn vị dạy bơi đã cử 3 giáo viên có bằng cấp chuyên nghiệp về đào tạo bơi lội. Thế nhưng, sự cố thương tâm ngoài ý muốn vẫn xảy ra. Lỗi tại ai và sơ suất, tắc trách xảy ra từ khâu nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, với số lượng học sinh huy động đi học bơi đông như thế, mà nhà trường chỉ cử 2 giáo viên trông coi và phía đơn vị dạy bơi cử 3 người là quá ít. Hơn nữa, việc phân loại, xác định học sinh biết bơi chưa bài bản, kỹ lưỡng. Lẽ ra, nhà trường phải lấy ý kiến của phụ huynh xác nhận con mình biết bơi chứ không nên dò hỏi học trò. Ở tuổi mới lớn (12 tuổi), các em chưa thể chịu trách nhiệm về lời nói, hành vi của mình. Trong trường hợp này, cũng có thể là em Phú chỉ biết bơi sơ sơ nhưng tự nhận là mình biết bơi. Ngược lại, mẹ em khẳng định là em không biết bơi (!?). Do tổ chức dạy bơi cho số đông - trên 100 học sinh nhưng số lượng giáo viên trông coi, giám sát ít. Lại thêm hồ bơi không có nhân viên giám sát chuyên nghiệp - ngồi ở trên cao như ở các hồ bơi công cộng nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc này. Ở vị trí phát hiện em Phú bị đuối nước có độ sâu 1,6m và giá như em được phát hiện sớm thì mọi việc đã khác.

Từ câu chuyện thương tâm này, rất mong ngành GD-ĐT TP sớm chấn chỉnh lại việc tổ chức dạy bơi sao cho an toàn. Cần quy định rõ số lượng giáo viên trông coi, giám sát học sinh khi đi học bơi với tỷ lệ thích hợp nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối. Đừng để chủ trương đúng, mang lại lợi ích thiết thực nhưng do cách làm chưa bài bản, kỹ lưỡng hoặc chỉ vì một chút sơ suất nhỏ mà dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục