Trong tuyên bố của mình, Taliban chỉ trích sáng kiến của Chính phủ Afghanistan đưa ra hôm 28-2, trong đó Tổng thống Ashraf Ghani đề xuất hòa đàm “không có điều kiện tiên quyết” cùng với việc thừa nhận về mặt chính trị, cấp hộ chiếu, bố trí chỗ ở cho gia đình những người thuộc phong trào này và thả tù nhân.
Theo Taliban, đây là đề xuất tham vọng nhất cho đến nay của Chính phủ Afghanistan dành cho Taliban, rằng đề xuất này là một âm mưu nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi sự chiếm đóng trái phép của các lực lượng nước ngoài. Lời tuyên chiến được đưa ra trong bối cảnh hàng ngàn binh sĩ Mỹ đã được điều động thêm đến Afghanistan để giúp huấn luyện quân đội nước này, và các chỉ huy được trao nhiều quyền hơn trong việc ra lệnh tiến hành các cuộc không kích chống phiến quân Taliban.
Động thái điều thêm binh sĩ Mỹ đi ngược lại với chính sách được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 8 năm ngoái, theo đó Washington sẽ từng bước rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Taliban tuyên bố cuộc tấn công mới một phần là để đáp trả chiến lược dọn đường cho việc triển khai thêm hàng ngàn binh sĩ nước ngoài ở Afghanistan.
Tuy nhiên, Taliban đảm bảo rằng sẽ chỉ tấn công các lực lượng của Mỹ tại Afghanistan, đồng thời cáo buộc “quân đội Mỹ không có ý định nghiêm túc hay chân thành nhằm kết thúc chiến tranh”. Taliban cũng hối thúc người dân tránh xa những sự kiện tụ tập đông người liên quan đến chính quyền, các đoàn xe và trung tâm quân sự - những mục tiêu mà Taliban sẽ tấn công.
Tình hình bất ổn tại Afghanistan vẫn chưa được cải thiện kể từ khi phiến quân Taliban phát động làn sóng tấn công nổi dậy tại quốc gia Nam Á này hơn 16 năm qua. Trong thời gian gần đây, các lực lượng an ninh Afghanistan cùng liên quân do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và không kích nhằm vào Taliban trên khắp Afghanistan. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, Chính phủ Afghanistan kiểm soát khoảng 56% lãnh thổ. Tuy nhiên, theo BBC, Taliban hiện đang chiếm giữ 70% diện tích lãnh thổ Afghanistan.
Tuyên bố trên của Taliban làm dấy lên nguy cơ ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử quốc hội và cấp tỉnh sẽ diễn ra trong tháng 10 tới trong bối cảnh việc cử tri đăng ký đi bầu đang được tiến hành tại các vùng sâu vùng xa. Afghanistan không chỉ bị lực lượng Taliban đe dọa khi mới ngày 22-4, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom tự sát bên ngoài một điểm đăng ký bỏ phiếu ở thủ đô Kabul làm hơn 30 người chết, hơn 50 người bị thương.
Đây là vụ mới nhất trong những chuỗi tấn công nhằm vào quá trình chuẩn bị bầu cử ở Afghanistan. Nếu Taliban tuyên bố chỉ tấn công các lực lượng Mỹ thì kẻ đánh bom tự sát ngày 22-4 là nhằm vào người dân đang đứng xếp hàng để nhận căn cước bầu cử. Trong tuyên bố, IS, vốn phản đối ý tưởng về một nhà nước có bầu cử dân chủ, nói rằng tổ chức này nhắm vào “những kẻ bội giáo” dòng Shiite.
Dù al - Qaeda đã rút khỏi Afghanistan, nhưng Taliban và IS cho thấy ước mơ một đất nước không tiếng súng của người dân Afghanistan còn rất xa. Các cuộc chiến vẫn là bất tận.