Lâu nay khi nhắc đến địa danh Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) người ta thường nghĩ đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng, gắn với những trận chiến khốc liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những ngày cuối tháng 8-2015, vùng đất Long Mỹ đang chuyển mình trở thành thị xã…
Nơi lãnh đạo gần dân
“Người dân ở đây đang phấn chấn chờ đón lễ công bố thành lập thị xã Long Mỹ. Tôi đang sơn bảng hiệu bán cơm trước cửa nhà để thay chữ xã Long Bình thành phường Vĩnh Tường”, anh Lê Thế Hùng, một thương binh, chủ quán cơm hồ hởi cho biết. Vĩnh Tường là cửa ngõ của Long Mỹ nằm trên quốc lộ 61. Vĩnh Tường cũng là nơi được chọn xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang. Một công trình hứa hẹn thu hút khách du lịch tâm linh.
Một góc Long Mỹ hiện nay. Ảnh: LÝ ANH LAM
Những ngày giữa tháng 8-2015, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang liên tục đi kiểm tra, khảo sát các địa điểm xây dựng trụ sở mới để chuẩn bị cho lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Long Mỹ và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (tổ chức vào ngày 21-8). Làm việc ở cơ sở, đồng chí Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã lưu ý với lãnh đạo địa phương: “Xây mới nhưng cần tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng trước đây, các trụ sở nên làm cùng thiết kế, để đỡ tốn thời gian và kinh phí. Từ một đơn vị hành chính, nay phân thành hai (thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ) sẽ rất khó khăn về nhân lực. Đòi hỏi, cán bộ phải nỗ lực gồng gánh để hoàn thành tốt trách nhiệm với nhân dân. Đó là cách đền ơn, đáp nghĩa đích thực với vùng đất giàu truyền thống cách mạng Long Mỹ”.
Có lẽ người vừa mừng vừa lo là anh Nguyễn Thanh Tâm (Sáu Tâm), Bí thư huyện Long Mỹ hiện nay. Anh Sáu Tâm sẽ rời vị trí Bí thư huyện vào cuối tháng 8-2015 nhưng vẫn đảm trách chỉ đạo thị xã Long Mỹ trong vai trò Tỉnh ủy viên. Khoảng 20 năm trước, khi anh Sáu Tâm còn ở vị trí Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, chúng tôi đã có dịp cùng anh đi lại bằng vỏ lãi đến các trung tâm xã, rồi lội đồng ở vùng đất Vĩnh Viễn, Lương Tâm để thực hiện xây đê bao khép kín cho đất sản xuất lúa, kết hợp với xây dựng đường giao thông. Long Mỹ ở cuối nguồn lũ, phải đối diện với 2 thách thức, đó là nước mặn từ biển Tây tràn vào và nước lũ từ sông Mê Công đổ về nên ngâm đồng rất lâu. Đê bao khép kín chính là “lối mở” cho nông dân vượt qua hai thách thức đó. Qua mô hình đê bao cũng đã mở ra nhiều tuyến giao thông trọng yếu để Long Mỹ “thông đường” đến các trung tâm xã. Nhiều người dân bảo: Sáu Tâm thuộc “tuýp” cán bộ gần dân. Ngoài giờ hành chính, ông dành nhiều thời gian đi khảo sát cuộc sống của người dân. Có lần anh mời lãnh đạo thị trấn Long Mỹ đến chỉ để hỏi một câu: “Các anh có biết ở thị trấn còn gần 20 hộ dân chưa có điện không?”. Câu hỏi làm nhiều cán bộ thị trấn lúng túng và họ biết phải làm gì sau đó.
Cơ hội chuyển mình
Trước khi chia tách, Long Mỹ là một trong 7 đơn vị hành chính của tỉnh Hậu Giang. Huyện Long Mỹ có diện tích tự nhiên gần 40.000ha chiếm khoảng 1/4 diện tích tỉnh Hậu Giang (đất nông nghiệp chiếm khoảng 75% - 80%), dân số gần 160.000 người, có 15 đơn vị hành chính..., trong đó, có gần 10.000 đồng bào Khmer sinh sống. Long Mỹ là cái nôi của cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có 10.763 gia đình chính sách, 8 Anh hùng Lực lượng vũ trang, 270 Mẹ Việt Nam Anh hùng (61 mẹ còn sống). Một thời đây là vùng “đất thép” của cách mạng, nơi các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam từng đóng quân chỉ huy ngăn chặn, đánh bại chiến lược “nhổ cỏ U Minh” của chế độ cũ.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ (chưa chia tách), thị xã Long Mỹ thành lập sẽ tạo động lực thu hút các nguồn vốn đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, dịch vụ thương mại, bảo đảm an ninh quốc phòng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lịch sử. Phấn đấu đến năm 2020 thị xã đạt tiêu chí đô thị loại III, mang đặc trưng vùng sông nước và trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Hậu Giang.
| |
VĨNH TƯỜNG