(SGGPO).- Sáng 22-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đại diện cơ quan thẩm tra dự án, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung, chỉnh lý về nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hướng thể hiện rõ mục đích giảm cung, không mở rộng quy mô sản xuất thuốc lá.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định về các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; các hành vi bị nghiêm cấm...
Về Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, dự thảo Luật quy định theo hướng Quỹ do Bộ Y tế quản lý về hành chính, nhưng hoạt động của Quỹ do Hội đồng quản lý liên ngành chỉ đạo; đồng thời huy động sự tham gia liên ngành trong quản lý, sử dụng quỹ.
Phát biểu về dự Luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, nguồn thu cho Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá “phải lấy từ túi của những người sản xuất, buôn bán, sử dụng” chứ không nên lấy từ ngân sách. “Không thể bắt những người không sử dụng thuốc lá phải đóng thuế để chi tiêu cho mục đích này”, bà Lan kiên quyết.
Vẫn theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Luật cần quy định việc xử lý hành vi các hành vi vi phạm một cách nghiêm khắc hơn, trong đó có việc người đứng đầu địa điểm công cộng được trao quyền xử phạt. Đặc biệt, cần quan tâm xử lý nghiêm khắc hành vi buôn lậu thuốc lá, tuyệt đối không cho tái xuất thuốc nhập lậu.
Bà Phong Lan yêu cầu: “Để Luật sớm đi vào cuộc sống, cần nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn, không nên để như Luật An toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đến nay vẫn chưa ban hành được thông tư để thực thi”.
Khác với một số ý kiến khác, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thẳng thắn: “Tôi không lo về tính khả thi mà lo tính nửa vời của luật”. Ông Châu dẫn chứng: dự thảo Luật cấm quảng cáo, nhưng lại cho trưng bày các loại thuốc lá một cách công khai, bắt mắt. Hay cấm hút thuốc trong nhà tòa kín (nhà hàng, khách sạn, karaoke) nhưng cho hút trong phòng riêng. Người ta có làm phòng riêng không, khách có “tự giam mình” vào đó để hút thuốc không?
Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) chia sẻ quan điểm cho rằng, việc quy định có địa điểm dành riêng cho hút thuốc lá đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng... là không thực tế. Lưu ý rằng hiện nay nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá chủ yếu dựa vào tài trợ của nước ngoài (90%), trong khi “chiếc túi” ngân sách còn nhẹ, ông Cường nhất trí với phương án hai trong dự thảo Luật, theo đó nguồn thu của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá là từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2%.
Phát biểu với tư cách đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vương Đình Huệ giải thích thêm: “Nếu thực hiện phương án một để hình thành Quỹ (hàng năm ngân sách cấp một khoản kinh phí tối đa bằng 2% tổng số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm (%) - PV) thì sẽ có nhiều điểm không thuận. Việc phòng chống tác hại của thuốc lá không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước. Mặt khác, sử dụng ngân sách thì rất khó chi cho hoạt động cộng đồng vì phải tuân thủ cơ chế ngân sách rất nghiêm ngặt. Hơn nữa, do là tiền trích thuế nên nguồn thu cũng sẽ không ổn định. Và quan trọng hơn cả, quy định như thế không đảm bảo tính trung lập của thuế; đồng thời để thực hiện được phải sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, phương án hai có những ưu điểm rất căn bản, đảm bảo tính công bằng; giảm được tiêu thụ thuốc lá mà không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Khoản đóng góp bắt buộc này được cộng vào giá bán, các DN tự khai, tự tính và nộp cùng với quá trình tính thuế. Việc sử dụng quỹ do Hội đồng liên ngành quyết định, có kiểm toán; Chính phủ cũng sẽ quy định chi tiết về cơ chế quản lý quỹ do đó có thể đảm bảo tính công khai minh bạch.
Với lập luận như trên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ ủng hộ phương án hai.
31-5: Ngày Thế giới Không thuốc lá
Ngày 22-5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế, TS Nguyễn Thị Xuyên đã cùng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam chủ trì cuộc họp báo nhân Ngày Thế giới Không thuốc lá 2012 và thông báo Dự án Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đang trình Quốc hội xem xét. Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đã chọn chủ đề Ngày Thế giới Không thuốc lá 31-5 năm 2012 là “Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá”.
Hàng năm tại Việt Nam, thuốc lá là nguyên nhân tử vong của hơn 40.000 người và ước tính vào năm 2030 con số này sẽ tăng lên tới 70.000 nếu chúng ta không thực hiện những biện pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ hút thuốc. Bên cạnh đó, trên 33 triệu người lớn không hút thuốc và trên 2/3 số trẻ em Việt Nam phải thường xuyên chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động trong gia đình, nơi làm việc và nơi công cộng.
ANH PHƯƠNG