Thu hoạch chạy lũ
Ông Nguyễn Văn Sáng (60 tuổi, trú thôn Tiên Mỹ 1, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết, 2 ngày qua, ông thuê 7 nhân công cùng với 4 người trong gia đình dầm mình cứu 1,2 mẫu lúa bị ngã đổ do mưa bão.
Còn trên toàn tỉnh Quảng Trị, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Thanh Hiền, có khoảng 3.778ha lúa chưa thu hoạch và bị mưa lớn kéo dài làm ngập úng, ngã đổ. Ngày 13-9, tranh thủ mưa ngớt, trên cánh đồng các xã Hương Nguyên, A Roàng, Lâm Đớt, Hương Phong và Đông Sơn của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), hàng chục cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Hương Nguyên và Đồn biên phòng Cửa khẩu A Đớt thay nhau giúp đồng bào thu hoạch khoảng 200ha lúa hè thu chạy lũ.
Tại Đà Nẵng, mưa vẫn kéo dài. Thế nên, bà Lê Thị Kim Phượng (70 tuổi, trú thôn Lệ Xuân 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà nẵng) phải trải bạt dưới gầm cầu để đảo lúa bị ướt.
“Mới mấy hôm trước mừng vì lúa được mùa, ai dè gặt được một nửa là mưa trắng trời, ướt hết. Không phơi được, đậy bạt để tạm mới 2 ngày thì lúa nảy mầm hết”, bà Phượng buồn rầu. Còn trên cánh đồng thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), 12ha lúa chín vàng bị mưa ngập ngã đổ, hư hỏng, trổ mộng trên cây. Do những ngày qua Đà Nẵng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội phòng chống dịch nên máy gặt lúa liên hợp ở các tỉnh khác không vào để thu hoạch lúa như mọi năm.
Tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nhiều diện tích lúa bị gió quật ngã rạp, nứt mộng. Để vớt vát, người dân đã lội nước cột thân lúa thành từng bụi, hạn chế hạt bị ngâm dưới nước. Quảng Nam đã chạy đua thu hoạch gần 2.000ha lúa bị ngập.
Cũng trong ngày 13-9, nhiều cánh đồng hạ du các sông Trà Bồng, sông Vệ, sông Phước Giang (Quảng Ngãi) vẫn ngập sâu trong biển lũ. Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Văn Sâm cho biết, địa bàn huyện phân làm 2 vùng sản xuất lúa và hoa màu chính, trong đó vùng trũng bà con đã thu hoạch xong, nhưng vùng ruộng khô thì lúa chưa chín nên chưa kịp gặt, có gần 900ha lúa bị ngập. Trước mắt, huyện sẽ huy động lực lượng để hỗ trợ bà con thu hoạch lúa nhanh nhất có thể để giảm bớt thiệt hạ.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Ngày 13-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5 làm sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua xã Quảng An, huyện Quảng Điền với chiều dài khoảng 200m. UBND huyện Quảng Điền đã huy động lực lượng xung kích của xã Quảng An xử lý tạm thời bằng tre và bao tải đất phòng tránh sạt lở tiếp diễn. Cùng ngày, UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc phối hợp với các đơn vị chức năng huy động phương tiện, máy móc thu dọn khoảng 500m3 đất đá sạt lở tràn lấp để thông tuyến quốc lộ 49B.
Mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường vùng núi tỉnh Quảng Nam bị sạt lở, gây chia cắt tại huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn… Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) Hồ Công Điểm cho biết, UBND huyện đã huy động nhiều lực lượng cùng với người dân khắc phục những điểm bị sạt lở để thông xe.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), bão số 5 và mưa lũ đã làm 2 người thiệt mạng do lũ cuốn tại tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi; 5 tàu thuyền bị chìm, 2 tàu mắc cạn và 7 ghe nhỏ bị chìm; 131 nhà, 7 điểm trường, nhà văn hóa bị tốc mái, hư hại; 792 nhà bị ngập; 8.160ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; 28ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Mưa bão đã làm sạt lở 1,5km kênh mương và 1,8km bờ sông, bờ biển; 1 đập tràn bị hư hỏng; 1 cầu tạm, 4 ngầm tràn bị cuốn trôi; 38 điểm giao thông bị sạt lở nhỏ; 1 trạm biến áp bị hư hại; 128 cây xanh bị gãy đổ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão, lũ; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra “lũ chồng lũ”.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 13-9, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp (suy yếu từ cơn bão số 5), từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa và dông. Chiều cùng ngày, xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung bộ kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao. |