Minh bạch hóa chính phủ

Đem lại môi trường chính trị trong sạch là một trong những cam kết của tân Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sau khi lên nắm quyền. Nhưng chưa đầy 2 tháng sau khi Thái Lan có Chính phủ mới, những nghi án quan chức dính đến tham nhũng đã xuất hiện, gây lo ngại về tiến trình cải cách tại quốc gia này.

Nhân vật đầu tiên dính đến nghi án tham nhũng là ông M.L. Panadda Diskul, Thư ký thường trực Văn phòng Thủ tướng. Ông Panadda vốn nổi tiếng là người đi đầu trong phong trào chống chính quyền Thaksin, lên án cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra làm thất thoát ngân sách quốc gia. Tháng trước, truyền thông Thái Lan phát hiện trong hóa đơn mua những vật dụng trong văn phòng như microphone và rèm cửa điện tử do ông Panadda ký duyệt có mức giá cao gấp nhiều lần so với thị trường. Sau khi sự việc bị phanh phui, ông Panadda vội vàng trả lại những vật dụng đã mua và không xuất hiện trước dư luận để trả lời các nghi vấn.

Ngoài ông Diskul, một số nhân vật chủ chốt trong Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan (NLC) đang gây tranh cãi vì từ chối công khai hóa tài sản - một biện pháp chống tham nhũng mới của Chính phủ Thái Lan. Ông Pornpetech Wichitcholchai, Chủ tịch của NLC, là người thẳng thừng không muốn công khai với lý do ông có một số tài sản riêng “vô giá”.

Hay như vụ việc Cảnh sát trưởng Somyos Poompanmuan mới đây tiết lộ gia đình ông có khối tài sản ròng lên tới 11 triệu USD, khiến dư luận không khỏi bất ngờ vì mức lương của một công chức có thể biến một quan chức cảnh sát thành triệu phú.

Trường hợp gây sốc nhất lại là từ người thân của Thủ tướng Prayuth, Tướng Preecha Chan-ocha. Ông Preecha cũng là một nhân vật quan trọng trong NLC. Ông Preecha bị phát hiện đang sở hữu số tài sản lên đến 2,8 tỷ USD, cao hơn so với mức công bố trước đó là 2,4 tỷ USD. Số tài sản này bị nghi ngờ đến từ nguồn ngân sách của quân đội.

Hàng loạt sự việc dính líu đến tham nhũng khiến dư luận Thái yêu cầu chính phủ phải tăng tính minh bạch trong nội bộ cầm quyền. Đáp lại, Thủ tướng Prayuth cam kết sẽ giải quyết mọi vấn đề nhưng cần sự thấu hiểu của người dân. Ông cáo buộc truyền thông Thái đã quá đào sâu vào một số chính trị gia để bới móc đời tư. Thái Lan đang trong tiến trình cải cách và phát triển chính trị, cần một khoảng thời gian ít nhất 1 năm để tiến tới sự chuyển giao cho chính phủ dân cử.

Theo Diplomat, những gì người dân Thái đang đòi hỏi ở chính phủ mới cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, người Thái mong đất nước luôn ổn định để phát triển kinh tế. The Economist, các cuộc đảo chính vẫn gây tác động không nhỏ cho kinh tế Thái Lan, khiến dư luận vẫn còn lo lắng về tương lai đất nước. Các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng thế giới dự báo, Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm nhất trong khu vực Đông Nam Á cho đến năm 2016.

Câu chuyện của gia đình Thaksin vẫn là một bài học chưa thể lãng quên trên chính trường nước Thái. Cả ông Thaksin lẫn bà Yingluck đều bị buộc phải rời ghế thủ tướng vì những cáo buộc tham nhũng, dẫn đến sự thay đổi nhiều biến động tại Thái Lan. Để đảm bảo cho đất nước đi theo tiến trình cải cách như mong muốn, ông Prayuth chắc hẳn vẫn cần phải cứng rắn hơn nữa trong việc làm trong sạch hóa bộ máy lãnh đạo cầm quyền ở nước Thái.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục