Mở rộng không gian phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết (mới) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và đáp ứng những kỳ vọng của người dân, Báo SGGP xin trích đăng ý kiến gợi mở của một số đại biểu Quốc hội.
Công chức huyện Hóc Môn (TPHCM) giải quyết thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH
Công chức huyện Hóc Môn (TPHCM) giải quyết thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

Ông VŨ HỒNG THANH - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

TPHCM là động lực tăng trưởng cho cả nước. Vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM lần này tạo ra nhiều động lực, nguồn lực mới cho TPHCM phát triển. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tôi kỳ vọng Chính phủ, TPHCM tận dụng cơ hội, mở rộng không gian khai thác để phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách trong nghị quyết.

Trong đó, tôi quan tâm đến mô hình Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), đây là mô hình rất đặc thù. Trước đây đã có cơ chế cho TP Hà Nội và TPHCM trong quá trình các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn thì được sử dụng nguồn này.

Chính vì vậy, khi nghị quyết mới được thông qua, vấn đề là làm sao sử dụng nguồn này cho hiệu quả đối với TPHCM. Trong đó, nhà đất, tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TPHCM rất nhiều, rất lớn. Tôi cho rằng, TPHCM cần sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo được động lực lan tỏa phát triển TPHCM trong thời gian tới.

Ông TRỊNH XUÂN AN - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

Cơ chế công khai, minh bạch hợp đồng BT

Bây giờ, vấn đề là chúng ta cần phải triển khai, đưa nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống. Trong các nhóm chính sách, nhóm cơ chế lớn của nghị quyết lần này có những nội dung rất mới, mang tính đột phá. Trong những chính sách này, tôi cho rằng có một số vấn đề TPHCM phải làm ngay, làm bài bản, bên cạnh những việc triển khai từng bước.

Trong đó, vấn đề cần làm ngay, theo tôi, phải là chính sách về đất đai. TPHCM phát triển các đường vành đai, phát triển đô thị. Đất đai ở TPHCM không chỉ tập trung vào đất đô thị, đất ở những quận, mà còn có cả đất ở 5 huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Đó là những nguồn lực rất lớn cần được tháo gỡ. Tôi cho rằng, một là, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); hai là, cơ chế hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) sẽ giải quyết được vấn đề này.

Trong cách thức huy động đầu tư, dù nghị quyết đã đưa ra quy định về cơ chế hợp đồng BT, nhưng tôi cho rằng cần phải có thêm chính sách BT mạnh hơn cho TPHCM. Dĩ nhiên, hình thức hợp đồng BT cần được thực hiện với cơ chế công khai, minh bạch, có hệ thống theo dõi, giám sát để tránh việc lạm dụng, lợi dụng, xảy ra sai phạm.

Chỉ có triển khai mạnh mẽ, đồng bộ thì đến năm 2030, TPHCM mới trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:

Giám sát quá trình thực hiện nghị quyết

Trong những ngày qua, tâm trạng các đại biểu Quốc hội TPHCM rất hồi hộp chờ đợi thời khắc các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Quốc hội đã thông qua nghị quyết với tỷ lệ biểu quyết tán thành rất cao (tỷ lệ hơn 97%). Điều này thể hiện sự chung sức, chia sẻ của đồng bào cả nước dành cho TPHCM.

Nghị quyết mới này sẽ giúp TPHCM có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngoài ra, nghị quyết cũng sẽ giúp TPHCM thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó giúp TPHCM có thể sánh vai với các đô thị lớn trên thế giới, tiếp tục là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế - tài chính, thương mại mang tầm khu vực châu Á và vươn ra toàn cầu.

Quốc hội thông qua nghị quyết là bước đầu rất quan trọng, triển khai nghị quyết lại càng quan trọng hơn. Hiện nay, HĐND, UBND TPHCM đã chuẩn bị các kế hoạch hành động theo chương trình hành động của Thành ủy TPHCM. Ngay sau kỳ họp này, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt tinh thần Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Với vai trò của mình, các đại biểu Quốc hội, HĐND TPHCM, MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ thực hiện công tác giám sát để việc triển khai thực hiện nghị quyết theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội thông qua.

Tin cùng chuyên mục