Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Chiều 24-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, với tỷ lệ 97,37% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực từ ngày 1-8-2023; đến kỳ họp Quốc hội cuối năm 2026, báo cáo sơ kết 3 năm việc thực hiện; tổng kết việc thực hiện nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2028.

Nghị quyết quy định 2 nhóm chính, gồm: nhóm các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết về cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác, hoặc đang quy định tại các dự thảo luật trình Quốc hội; nhóm các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo nghị quyết với 4 nhóm vấn đề về đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đất đai - quy hoạch, tổ chức bộ máy TPHCM và TP Thủ Đức.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo nghị quyết cho biết, về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có ý kiến đề nghị bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP đối với cả lĩnh vực y tế, giáo dục mà không áp dụng định mức. Tiếp thu ý kiến đại biểu, để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội, bao quát cả các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, GD-ĐT, tạo sự chủ động cho TPHCM trong thực hiện các dự án PPP, không bị ràng buộc bởi quy định quy mô từ 100 tỷ đồng trở lên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho phép quy định tại dự thảo Nghị quyết giao HĐND TPHCM quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, GD-ĐT, thể thao và văn hóa.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội cho phép được quy định miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như dự thảo Nghị quyết.

Để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 người trở lên.

Để tiếp tục tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn bó, cống hiến, cơ bản đáp ứng mức sống tại TPHCM, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của cả nước, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép TPHCM được tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm. Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định rõ phần tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý theo đúng Nghị quyết 27.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Cả nước đã vì TPHCM, TPHCM sẽ tập trung làm tốt nghị quyết

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, tôi cảm ơn Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các ĐBQH đã ủng hộ TPHCM. Thể hiện sự cảm ơn, TPHCM sẽ nỗ lực triển khai tốt nghị quyết, cả nước đã vì TPHCM, thành phố sẽ tập trung làm tốt để đáp ứng niềm tin đó.

TPHCM cũng rất cảm ơn những sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, ĐBQH, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giá trị, giúp hình thành một hệ thống chính sách đồng bộ, có chất lượng, trong đó vai trò của báo chí rất quan trọng. Ngay sau đây, TPHCM khẩn trương triển khai các công việc thực hiện nghị quyết.

________

Tận dụng cơ hội, mở rộng không gian phát triển

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh xung quanh nghị quyết này.

Phóng viên: Quốc hội đã thông qua nghị quyết mới cho TPHCM, ông kỳ vọng thế nào?

Ông VŨ HỒNG THANH: Chúng tôi rất kỳ vọng nghị quyết lần này tạo ra nhiều động lực, nguồn lực mới để TPHCM phát triển, đóng góp nhiều hơn cho vùng và cả nước.

Trong khâu tổ chức thực hiện nghị quyết, ông quan tâm điều gì?

Trong quá trình tổ chức thực hiện, tôi kỳ vọng Chính phủ, TPHCM tận dụng cơ hội, mở rộng không gian khai thác các nguồn lực mà cơ chế, chính sách đã có. Qua đó, giải quyết bài toán hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

Tôi lấy ví dụ, về mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), cần mở rộng hơn nữa vì trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có cơ chế, chính sách cho mở rộng thêm diện tích thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mặt khác, ngoài những điểm kết nối các công trình giao thông theo đường sắt trên cao, đường Vành đai 3 TPHCM, thành phố cần tính toán có thể thêm những hạng mục công trình khác để mở rộng, khai thác không gian này.

TPHCM phải tận dụng nguồn lực đó để tạo động lực phát triển cho đất nước, cho TPHCM.

Trong nghị quyết có cơ chế đặc thù về đầu tư các công trình giao thông trên đường hiện hữu, theo ông, TPHCM trong quá trình thực hiện cần lưu tâm những vấn đề nào?

Việc thu hút nguồn lực xã hội để sớm cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tại TPHCM không chỉ giúp người dân thuận tiện trong giao thông, giảm bớt ùn tắc, tai nạn mà còn góp phần giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Thực tiễn chúng tôi giám sát thì thấy rất nhiều trạm thu phí BOT đặt không đúng chỗ. Người dân sống xung quanh trạm bị ảnh hưởng, mất thêm chi phí không hợp lý, dẫn đến bức xúc, mâu thuẫn trong xã hội. Để bảo đảm giảm tối đa tác động đến người dân, doanh nghiệp, TPHCM cần rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Cùng với đó, quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng.

____________________

Phấn khởi, nhiều kỳ vọng

Đông đảo người dân, doanh nhân, cán bộ công chức thành phố bày tỏ vui mừng, phấn khởi và mong muốn TPHCM sớm triển khai thực hiện nghị quyết mới. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu.

Người dân huyện Hóc Môn nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TPHCM

Người dân huyện Hóc Môn nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TPHCM

Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TPHCM): Sẵn sàng tiếp nhận các nhiệm vụ mới

Tôi rất vui mừng khi nghị quyết mới dành riêng một điều để quy định về tổ chức bộ máy TP Thủ Đức với các cơ chế về phân cấp ủy quyền, tăng thêm nhân sự và bộ máy cũng như chế độ chính sách cho cán bộ công chức.

Khi thực hiện nghị quyết, rất nhiều công việc, lĩnh vực sẽ được phân cấp, ủy quyền đến cấp phường. Là cán bộ công chức phường, ngoài các công việc hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận các nhiệm vụ do TP Thủ Đức ủy quyền, chung tay góp phần cùng lãnh đạo TP Thủ Đức, TPHCM vượt qua khó khăn để ngày càng phát triển.

Anh NGÔ MINH HẢI, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM: Nâng cao đời sống, thu nhập của thanh niên

Thanh niên TPHCM rất phấn khởi khi Quốc hội thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với nhiều nội dung và cụ thể hơn. Trong đó, TPHCM được mở rộng các cơ chế trong lĩnh vực đô thị. Từ nghị quyết này, công tác chỉnh trang, phát triển đô thị sẽ được triển khai nhanh chóng, thuận lợi hơn. Nhất là TPHCM sẽ chủ động phát triển cơ sở hạ tầng dành cho thanh thiếu niên. Nghị quyết cũng sẽ giúp TPHCM chủ động thực hiện các chính sách huy động các nguồn lực xã hội, nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, TPHCM sẽ có nhiều nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân về văn hóa, giáo dục, y tế... Khi kinh doanh - sản xuất được thúc đẩy thì sẽ mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm mới cho thanh niên; từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của thanh niên.

Ông NGUYỄN THƯỢNG QUÂN, Tổng Giám đốc Công ty Sao Nam: Tận dụng mọi nguồn lực phát huy năng lượng xanh

Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua là rất phù hợp và cần thiết đối với TPHCM trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết có nội dung cho phép UBND TPHCM quyết định việc sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở, việc này đã tháo gỡ được rất nhiều vấn đề để tận dụng mọi nguồn lực phát huy năng lượng xanh.

(THU HƯỜNG - THẢO LÊ - NGÔ BÌNH)

Tin cùng chuyên mục