Mối đe dọa lớn

Năm 1999, trước khi trở thành thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã cảnh báo thiếu nước đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của Trung Quốc.

Năm 1999, trước khi trở thành thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã cảnh báo thiếu nước đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của Trung Quốc.

16 năm sau, vấn đề bảo đảm nguồn cung nước ngọt càng trở nên cấp bách đối với quốc gia đông dân nhất hành tinh. Tại Diễn đàn thế giới về nước vừa bế mạc tại Daegu, Hàn Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh nếu Trung Quốc không bảo đảm được nguồn nước sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại về mặt năng lượng, lương thực không chỉ đối với quốc gia này mà còn cả khu vực và thế giới.

Các nguồn nước ngọt của Trung Quốc không được phân phối một cách đồng đều, lại thường xuyên bị ô nhiễm. Tổ chức phi chính phủ của Hồng Công (Trung Quốc) China Water Risk cho rằng Bắc Kinh cùng lúc phải giải quyết 3 vấn đề mâu thuẫn với nhau: một là, quản lý các nguồn nước sạch; hai là, sản xuất năng lượng và ba là, những thách thức về biến đổi khí hậu. Có đến 93% lượng điện của Trung Quốc phụ thuộc vào nước. Vì vậy, chính sách năng lượng của Trung Quốc chẳng những sẽ tác động tới vấn đề biến đổi khí hậu của toàn cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn nước ngọt của châu Á. Trung Quốc đang kiểm soát các khu vực ở thượng nguồn của hầu hết các con sông ở châu lục. Vùng cao nguyên Tây Tạng là thượng nguồn của 10 con sông lớn nhất châu Á, từ sông Indus chảy qua Pakistan và nhiều bang ở Ấn Độ đến dòng sông Brahmaputra tưới mát ruộng đồng cho cả Ấn Độ, Bangladesh lẫn Trung Quốc hay sông Mê Công.

China Water Risk nhấn mạnh Bắc Kinh bắt đầu phải coi vấn đề bảo đảm các nguồn cung cấp nước ngọt là một ưu tiên, vì phải có đủ nguồn nước thì Trung Quốc mới có thể bảo đảm năng lượng và lương thực cho người dân. Một ví dụ dễ thấy nhất là ngành nông nghiệp Trung Quốc tiêu thụ từ 65% - 70% nước ngọt trên toàn quốc nhưng một lượng lớn nước ngọt đang bị lãng phí bởi hệ thống thủy lợi kém hiệu quả.

Trên thực tế, Trung Quốc đã có kế hoạch xây một kênh dẫn nước khổng lồ để quản lý và điều phối nước ngọt. Theo đó, nước sẽ ngược dòng 1.400km, từ miền Trung trước khi tới Bắc Kinh và điều tiết cho nền công và nông nghiệp ở miền Bắc ngày càng khô hạn. Dự án trên kế thừa ý tưởng của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông khi nhà lãnh đạo này từng tuyên bố: “Miền Nam thừa nước, miền Bắc thì thiếu. Nếu có thể được, miền Nam chia cho miền Bắc một chút, mọi việc đều tốt đẹp”. 

Tuy nhiên, China Water Risk nhận định việc Trung Quốc đang dốc lực tìm kiếm thêm các nguồn nước với những công trình xây dựng đập khổng lồ hay kênh điều nước để đưa nước ở các vùng miền Nam lên miền Bắc khô cằn không đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng lớn của hơn 1,2 tỷ dân. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với các vùng địa lý khô hạn cũng là một yêu cầu cấp bách. Li Lifeng, Giám đốc Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF), cho hay việc trồng các loại cây cần nhiều nước như bắp và lúa mì tại khu vực miền Bắc Trung Quốc là điều không thể. Việc một số địa phương chuyển đổi sang trồng loại cây cần ít nước như khoai tây là mô hình cần được Bắc Kinh khuyến khích. Chỉ có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ trong quản lý và sử dụng nguồn nước mới có thể “cứu” Trung Quốc thoát khỏi cảnh cạn kiệt nguồn tài nguyên nước quý giá trong tương lai không xa.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục