Một mùa hè khắc nghiệt

Nắng nóng dữ dội gần một tuần qua ở Mỹ đã ảnh hưởng đến một nửa lãnh thổ quốc gia, khiến ít nhất 36 người chết, hàng trăm ngàn người phải chịu khổ sở vì mất điện, thiếu nước. Ở Nga, Ấn Độ, Bangladesh, lũ lụt hoành hành khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tình hình ở những nơi này được dự đoán tiếp tục có nhiều diễn biến xấu.
Một mùa hè khắc nghiệt

Nắng nóng dữ dội gần một tuần qua ở Mỹ đã ảnh hưởng đến một nửa lãnh thổ quốc gia, khiến ít nhất 36 người chết, hàng trăm ngàn người phải chịu khổ sở vì mất điện, thiếu nước. Ở Nga, Ấn Độ, Bangladesh, lũ lụt hoành hành khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tình hình ở những nơi này được dự đoán tiếp tục có nhiều diễn biến xấu.

Nước Mỹ “nóng hơn địa ngục”

Theo New York Times, nhiệt độ cao nhất đo được trong chuỗi ngày nắng nóng kinh hoàng tuần qua ở Washington lên đến 40,50C vào ngày 7-7. Sang đến ngày 8-7, nhiệt độ đã giảm còn 37,20C. Trong 30 ngày qua, kỷ lục về mức nhiệt độ tăng cao liên tục được cập nhật trên cả nước Mỹ. Tính đến thời điểm này, đã có 4.500 mức nhiệt độ được ghi nhận là cao nhất ở từng khu vực. Theo Washington Post, đây là lần đầu tiên người Mỹ phải hứng chịu đợt nắng nóng tai hại đến như vậy. AP dẫn lời một du khách đến thăm thủ đô Washington cho rằng “nắng nóng còn hơn cả địa ngục”.

Tính đến nay, ít nhất 36 người đã thiệt mạng vì không chịu được cái nóng quá đột ngột. Tình trạng nhiệt độ cao bất thường vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với người cao tuổi mắc những chứng bệnh liên quan đến tim mạch.

Trẻ em ở bang Maryland tìm đến các hồ nước công cộng để tránh nóng. Ảnh: AFP

Trẻ em ở bang Maryland tìm đến các hồ nước công cộng để tránh nóng. Ảnh: AFP

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Khí tượng quốc gia cảnh báo ngày 9-7 sẽ có một khối khí lạnh được dự đoán di chuyển từ Canada đến khu vực miền Trung và phía Đông nước Mỹ mang theo bão lớn. Cơn bão này có nguy cơ đánh gục những khu vực đang nỗ lực gượng dậy sau trận bão hồi cuối tháng trước vốn cướp đi sinh mạng của ít nhất 13 người, làm 3 triệu căn hộ mất điện ngay tại thời điểm đó. Đến nay, hơn 400.000 người ở Virginia, Ohio, New Jersey, Maryland và Indiana vẫn sống trong cảnh mất điện. Thiếu điện dẫn đến hệ thống điều hòa, tủ lạnh của hàng loạt hộ gia đình không thể hoạt động. Vì thế, nhiều người đổ xô ra đường, tìm đến những bể bơi, hồ nước công cộng để giúp cơ thể hạ nhiệt. Chính quyền ở nhiều nơi, trong đó có thủ đô Washington đã kéo dài thời gian hoạt động ở các nơi này để phục vụ người dân, nhất là trẻ nhỏ.

Theo cơ quan theo dõi hạn hán Mỹ, 22% diện tích đất trồng bắp và đậu nành cùng 24% diện tích dành trồng lúa miến (một loại kê dùng làm lương thực), 43% vùng cỏ cho chăn nuôi súc vật của nước này đang có nguy cơ mất mùa.

Lũ lụt tàn phá nhiều nơi

RIA Novosti đưa tin, số người chết trong đợt lũ quét do mưa to nhiều ngày qua ở vùng Krasnodar, miền Nam nước Nga, đã lên đến 150 người. Trong đó, số người chết ở quận Krymsk cao nhất với 130 người. Đây chỉ là số người được lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể. Lũ lớn đã khiến 29.000 người không tiếp cận được nguồn điện. Thống đốc vùng Krasnodar Alexander Tkachyov ngày 8-7 tuyên bố ngày 9-7 sẽ là ngày để tang các nạn nhân lũ lụt.

Số người chết quá cao buộc các nhà điều tra Nga quyết định mở cuộc điều tra hình sự về việc này. Cuộc điều tra dựa vào phần 3, mục 109 của Bộ luật Hình sự nước này về tội danh gây ra cái chết của nhiều người do thiếu trách nhiệm. Trong khi lũ lụt đang hoành hành, người dân trong vùng chứng kiến lượng nước đổ về ồ ạt và bất ngờ trong vòng 24 giờ nên nghi ngờ nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đã xả đập.

Ở Ấn Độ, ít nhất 121 người được xác định thiệt mạng trong đợt lũ những ngày qua. Hiện 6 triệu người Ấn Độ sống trong các khu vực bị ảnh hưởng đã phải sơ tán. Bang Assam là nơi hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất. Tuần trước, mưa to gây lũ lớn ở khu vực Đông Nam Bangladesh đã khiến ít nhất 95 người thiệt mạng.

Như Quỳnh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục