Mua sản phẩm khiếu nại để… tống tiền!

Mua chai nước giải khát có vật lạ bên trong với giá 3 triệu đồng để đi đòi bồi thường 15 triệu đồng - một hình thức “kinh doanh” khiếu nại đáng phê phán…

Ngày 6-7-2006, ông Trương Hữu Đ. (43 tuổi, ngụ tại đường Lạc Long Quân,  quận 11, TPHCM) đã gửi đơn lên Văn phòng Người tiêu dùng phía Nam (thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng VN) cho biết: ông có mua 1 chai nước giải khát hiệu Sprite do Công ty Coca-Cola Việt Nam sản xuất về dùng thì phát hiện có vật lạ ở trong chai.

Vì vậy ông đề nghị công ty kiểm tra để có hướng giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, ngày 24-7-2006, khi đến tham quan nhà máy của Coca-Cola ở Thủ Đức,  ông Đ. lại trình bày với công ty là ông đã mua lại chai nước nêu trên của 3 anh thanh niên lạ với giá 3 triệu đồng, do đó, ông đề nghị công ty phải bồi thường cho ông gấp 5 lần số tiền này thì ông mới đồng ý đưa chai nước này cho công ty. Bằng không, ông sẽ tung vụ việc lên báo chí “gây mất uy tín ráng chịu”- ông Đ. nói và đã ký vào biên bản ghi lời đề nghị này như thế.

Dĩ nhiên lời đề nghị của ông Đ. đã không được Coca-Cola chấp nhận. Công ty này sau đó cũng đã có văn bản thông báo lại hành vi  gây nhũng nhiễu nêu trên đến Văn phòng Khiếu nại của Người tiêu dùng phía Nam để bác bỏ lời đề nghị bồi thường của ông Đ.

Theo ông Nguyễn Nam Vinh-Chủ nhiệm Văn phòng Khiếu nại của Người tiêu dùng phía Nam, Pháp lệnh Khiếu nại tố cáo không cho phép người tiêu dùng trục lợi doanh nghiệp bằng các hình thức nhũng nhiễu, mang tính chất tống tiền. Việc mua đi bán lại một sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất để hòng trục lợi thông qua việc nhũng nhiễu đòi doanh nghiệp bồi thường là rất đáng phê phán.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Vinh, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp khiếu nại kiểu tống tiền. Trong số này, có không ít các trường hợp cố tình nhét vật thể lạ vào sản phẩm để bắt chẹt nhà sản xuất.

Để không còn xảy ra những hình thức trục lợi tống tiền này, thiết nghĩ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp không nên ngại tai tiếng, bưng bít thông tin để rồi dung túng cho tiêu cực. Nếu sai sót thuộc về mình thì cần phải mạnh dạn nhận khuyết điểm, sửa sai và có sự bồi thường thỏa đáng, để không chỉ phát triển bền vững mà còn tạo được thiện cảm với người tiêu dùng.

NGUYỄN THU TUYẾT

Tin cùng chuyên mục