Liên kết đào tạo là thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, huy động tiềm năng của các trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, tạo cơ hội học tập đối với nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng và xã hội hóa giáo dục. Quy định có, quy chế có, phân cấp quản lý cũng có, nhưng phải chăng sự “dễ dãi” ở việc cấp phép, quản lý lỏng lẻo ở mô hình này đã phát sinh những cuộc chạy đua “lên đời bằng cấp” một cách rầm rộ?
Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực để “dọn dẹp” những chỗ chưa sạch để làm cho ngành gọn gàng, đàng hoàng hơn như đình chỉ tuyển sinh hàng loạt ngành, đình chỉ nhiều trường không đủ điều kiện. Và chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng từng khẳng định: “Giáo dục đại học không chạy theo tăng trưởng quy mô số lượng, phải tập trung nâng cao chất lượng”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sức ép “chỉ tiêu” (nguồn thu) cả trường công lẫn trường tư đã đẩy nhiều trường chạy theo số lượng thông qua việc bắt tay liên kết đào tạo (từ thạc sĩ đến đại học, cao đẳng).
Cùng với con số trên, nhiều người sẽ giật mình khi nhiều trường đại học tại TPHCM có từ 20 - 50 cơ sở liên kết đào tạo. Có trường liên kết từ Quảng Bình đến Cà Mau, có trường từ trong Nam vươn ra tận ngoài Tây Bắc, Thái Bình, có trường từ Hưng Yên vào tận TPHCM, Cần Thơ… liên kết đào tạo với số lượng hàng trăm, hàng ngàn sinh viên. Và điều đáng nói “vệ tinh” liên kết của các trường chính là những trung tâm giáo dục từ xa, các trung tâm hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề các tỉnh.
Như vậy, ở một trung tâm, người quản lý đã hiếm, cơ sở vật chất lại càng hiếm thì hàng trăm, hàng ngàn sinh viên sẽ “học” và “hành” như thế nào? Cùng với đó, sự dễ dãi từ đầu vào đến quá trình đào tạo rồi đầu ra đã thật sự đẩy người học lao vào một cuộc đánh đổi theo công thức: học phí + thời gian = bằng cấp. Điều này có nghĩa là người học chẳng cần đầu tư, bỏ chất xám chỉ cần đáp ứng yêu cầu tối thượng của các cơ sở đại học “hoàn thành học phí, điểm danh có mặt” thì thế nào cũng có bằng.
Hệ lụy từ những cuộc chạy đua nâng cấp bằng cấp này sẽ dẫn đến sản phẩm thầy không ra thầy, thợ chẳng ra thợ. Và lẽ đương nhiên, khi những sản phẩm này tới tay người sử dụng chắc chắn sự hào nhoáng của tấm bằng không thể khỏa lấp được sự thiếu hụt của kiến thức và kỹ năng.
Một đất nước đang phát triển và trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cần nguồn nhân lực chuẩn về bằng cấp lẫn chuyên môn. Để làm được điều này không ai khác, ngành giáo dục cụ thể nhất là các cơ sở đào tạo đại học phải tự nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình với người học, với sự kỳ vọng của xã hội. Vì lẽ đó, các cơ sở giáo dục đại học không thể vì cái lợi trước mắt mà sẵn sàng đánh đổi, xem nhẹ chất lượng, phải phát triển hài hòa và hợp lý cả lượng lẫn chất trong công tác đào tạo. Mục đích đặt ra là đúng, nhưng nếu thực hiện sai, hiệu quả không đạt là tất yếu.
Hơn bao giờ hết, để tạo được niềm tin của xã hội và người học vào các chương trình liên kết, trước hết các địa phương phải thực hiện nghiêm và đúng những quy định của Bộ GD-ĐT. Đó là giao các sở GD-ĐT làm đầu mối giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo, thẩm định và trình phê duyệt các chương trình liên kết. Trong đó, gắn việc cấp phép vào đúng nhu cầu nguồn nhân lực thực tế của địa phương thì mới phát huy hết hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT cần “tỉnh táo” khi phê duyệt các chương trình liên kết. Bộ GD-ĐT cũng cần có sự kiểm soát và giới hạn về chỉ tiêu liên kết đào tạo, đồng thời các biện pháp xử phạt cũng mạnh tay hơn như cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, công khai xử phạt, cảnh cáo người đứng đầu các cơ sở đào tạo vi phạm.
THANH MINH