Dì Bảy Huệ sắp bước sang tuổi 100, dịp này, quê hương Sóc Trăng khánh thành công trình cơ sở cách mạng, nhà lưu niệm Ngô Thị Huệ tại Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm - một công trình đầy ý nghĩa, gắn với tên tuổi dì Bảy, người phụ nữ kiên trung, son sắt, trọn vẹn một đời vì nước, vì dân.
Vùng đất Mỹ Quới được xem là cái nôi cách mạng của Sóc Trăng. Nơi đây, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập vào giữa năm 1930, còn chi bộ mà dì Bảy Huệ vinh dự được kết nạp là do đồng chí Trần Văn Bảy và Quảng Trọng Hoàng chỉ đạo thành lập vào năm 1936. Cho đến hôm nay, dì Bảy còn nhớ như in 5 người cùng chi bộ, trong đó có 3 người bị kết án chung thân và hy sinh trên chiến trường. Bí thư chi bộ là đồng chí Trần Hồng Dân, đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong một trận đánh bị địch bao vây rất ác liệt. Tên đồng chí được đặt cho huyện nhà - huyện Hồng Dân.
Cuộc đời dì Bảy gắn với những sự kiện, những biến cố lớn lao của đất nước như khởi nghĩa Nam kỳ, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, hai cuộc kháng chiến thần thánh… Dì Bảy có 15 năm công tác trên đất Bắc và đã có nhiều những đóng góp sau khi về lại miền Nam, kể cả sau ngày nghỉ hưu - thực hiện tiếp những ước mơ, những chương trình nhân đạo, giáo dục truyền thống, xây Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, dựng tượng mẹ Việt Nam anh hùng...
Dì Bảy Huệ tại sự kiện họp mặt đồng hương Sóc Trăng tại TPHCM năm 2015
Chính dì cũng không thể hình dung cuộc hành trình của mình, từ một người con gái ở chốn bưng biền Sóc Trăng, từng ăn chay trường, thích lên chùa lạy Phật để mong được độ trì cho mẹ và gia đình bớt khổ, 15 tuổi giác ngộ cách mạng, trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ, hoạt động ở nhiều vùng miền, với nhiều công việc khác nhau. Khi là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, lúc 22 tuổi, lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ ở Long Hồ, Cái Ngang, Tam Bình; khi tham gia Tỉnh ủy Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu; có lúc làm công tác phụ nữ ở Khu 9; khi là Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; lúc ra Bắc làm Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, lo công tác cán bộ, trong đó có chuẩn bị lực lượng cán bộ chi viện cho miền Nam.
Những năm công tác trên đất Bắc, dì Bảy đã luôn dành sự thương yêu, chăm lo cho con em cán bộ ở miền Nam ra học. Võ Dũng và Hiếu Dân (con của đồng chí Võ Văn Kiệt) ở cùng với dì và được xem như con. Khi nhắc về Võ Dũng, lúc nào dì cũng rưng rưng nỗi đau sâu thẳm của người mẹ: Dũng về Nam chiến đấu, làm nhiệm vụ trinh sát và đã hy sinh…
Dì Bảy là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và đã tham gia liên tiếp 4 khóa Quốc hội liền (trong đó có 2 khóa ứng cử ở Bạc Liêu và 2 khóa ứng cử ở Ninh Bình). Dì Bảy luôn nhớ về những bà mẹ, người chị buôn thúng bán bưng, đã viết những dòng chữ nguệch ngoạc có tên Huệ trên những tấm lá chuối, lá trầu, giấy gói hàng và chuyền tay cho nhau đọc, vận động bỏ phiếu cho dì ở Bạc Liêu vào ngày Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946. Cùng những hình ảnh không bao giờ phai về những người lao động ở hầm than, mặt mày đầy bụi than, chỉ còn hàm răng trắng và nói rằng: Người ở tù về như chị thì tin cậy được. Dì Bảy cho biết, lúc mới ra tù, may sao có người cho bộ đồ mỹ-a đen để mặc ra mắt cử tri, đó là bộ đồ rất vừa, rất hợp với dì. Dì Bảy cũng không sao quên được kỳ họp thông qua bản Hiến pháp đầu tiên và bài nói của Bác Hồ về “Chính phủ liêm khiết” trong lần ra họp mà thời gian đi đường mất hết 6 tháng ròng (bị kẹt ở Thái Lan 4 tháng).
Dì Bảy Huệ là biểu tượng của một thế hệ dấn thân, bất chấp hiểm nguy, tù đày, tra tấn, hy sinh. Nhiều lần bị giặc bắt, có lần bị kết án chung thân khổ sai sau khởi nghĩa Nam kỳ, có lúc bị tra tấn dã man, bị lột quần áo, cho cả chục ổ kiến vàng cắn và có lúc cho đối chứng với người thân… nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn một mực giữ gìn khí tiết. Rồi sau ngày giải phóng, có lúc lại đối diện với thử thách khắc nghiệt khi mất đứa con trai. Sức chịu đựng và nghị lực phi thường đã giúp dì vượt lên tất cả để sống một cuộc đời đầy lạc quan mà lúc nào cũng luôn muốn cống hiến, muốn cho đi.
Là vợ của đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng - chú Nguyễn Văn Linh, dì Bảy đã chia sẻ nhiều cùng chú và vừa công tác, vừa chăm lo cho các con. Nói về chú, dì luôn thể hiện sự thương yêu, kính trọng, bởi cuộc đời chú đã chịu nhiều cơ cực, 4 tuổi mất cha, 7 tuổi mất mẹ, mới tròn 15 tuổi đã bị kết án chung thân, đày ra Côn Đảo. 50 năm sánh bước cùng chú Linh, vui buồn cùng san sẻ, cho dù có lúc phải xa nhau đằng đẳng, liên hệ bằng thư từ, dì Bảy vẫn cảm thấy mãn nguyện. Năm vừa rồi, dì đã cùng các con, cháu ra tận Hưng Yên để thắp hương cho chú ở khu lưu niệm tại quê nhà và dự lễ khánh thánh thành tượng đài tại quảng trường Nguyễn Văn Linh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Dì Bảy cho biết bây giờ sức khỏe không như trước, mới đi nằm bệnh viện nửa tháng và cũng hay bị khó ngủ vì nhớ nhiều chuyện và cũng còn lo nhiều chuyện. Đó không chỉ là những việc của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - nơi mà dì gắn bó nhiều năm tháng sau khi về hưu. Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo với sự góp sức của dì ngay từ buổi đầu đã làm nên biết bao điều kỳ diệu cho bệnh nhân, người nghèo, người khuyết tật… Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ có nhiều tư liệu quý và ngày càng khang trang, hiện là địa chỉ sinh hoạt quen thuộc của nhiều thế hệ, mang dấu ấn của dì - người có công thai nghén, tạo dựng… Trong tâm tưởng của dì vẫn còn đậm nét về những cuộc khủng bố trắng sau khởi nghĩa Nam kỳ, vẫn không thể nào quên cái đêm trời tối như mực, một mình chèo xuồng nước ngược trên dòng sông Măng Thít cho tới gần sáng để móc nối với cơ sở cách mạng sau cuộc khởi nghĩa thất bại... Cùng biết bao điều lo nghĩ và muốn làm nhiều hơn cho đất nước.
Hôm nay, với việc hình thành nhà lưu niệm mang tên dì Bảy Huệ nơi quê nhà Sóc Trăng, lớp trẻ sẽ có điều kiện hiểu thêm về dì và những người đi trước để tự hào và tiếp bước. Dì Bảy Huệ là một biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam, là tấm gương quá đỗi gần gũi, thân thương, là hiện thân của sự bình dị mà cao quý, nhìn ở chiều kích nào cũng thấy sáng, đẹp và lan tỏa nỗi yêu thương.
PHẠM PHƯƠNG THẢO