Bước tiến lớn
Theo một chuyên gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu nhìn vào con số lực lượng lao động tính đến thời điểm này thì số lao động đã qua đào tạo ở Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) chiếm gần như tuyệt đối; lao động có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao; nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám tương đối cao. Nhìn về độ tuổi thì lực lượng lao động của EVNHCMC còn trẻ, sự phân bố độ tuổi vừa đảm bảo việc tích lũy kinh nghiệm của lao động, vừa có khả năng tiếp nhận các công nghệ mới, thuận lợi cho việc sẵn sàng cống hiến trong những giai đoạn tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư của EVNHCMC.
Trên thực tế, những năm qua với lực lượng cán bộ công nhân được đào tạo bài bản, ngành điện TPHCM đã có thể đảm đương các phần việc phức tạp đòi hỏi trình độ cao về khoa học công nghệ mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài. Kết quả đó có được là nhờ quá trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng liên tục, đúng trọng tâm, theo sát thực tiễn của đơn vị.
Trong các năm qua, EVNHCMC đã không ngừng triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020, để đáp ứng nhiệm vụ phát triển và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tổng công ty. Theo đó, EVNHCMC đã chú trọng, tập trung thực hiện nhóm giải pháp đổi mới, chuyên sâu hóa công tác đào tạo nhằm nâng cao tay nghề, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ cho lực lượng công nhân và đội ngũ kỹ sư, quản lý của EVNHCMC, nhằm đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường lao động chuyên môn cao, trong xu hướng chung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nhằm đảm bảo cho người lao động có sức khỏe tốt để thực hiện nhiệm vụ với năng suất hợp lý nhất, tổng công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% người lao động và tổ chức tư vấn sức khỏe cho các trường hợp có các chỉ số cao hơn mức cho phép, hoặc tổ chức điều dưỡng cho người lao động có sức khỏe loại 4 và loại 5. Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tư vấn, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động: Stress trong công việc và cuộc sống; cách điều trị, phòng và tránh bệnh ung thư; phòng tránh bệnh trầm cảm… Nguồn: Ban Tổ chức và Nhân sự EVNHCMC |
Bên cạnh đó, tổng công ty cũng đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực mũi nhọn (như công nghệ thông tin, Lưới điện thông minh Smart Grid, Hạ tầng đo đếm tiên tiến AMR/AMI, Hệ thống thông tin địa lý GIS), nhằm xây dựng được đội ngũ chuyên gia, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, là lực lượng nòng cốt phục vụ cho kế hoạch phát triển bền vững của tổng công ty.
Đến nay, số lượng chuyên gia đã được EVNHCMC công nhận là 42 chuyên gia. Về lực lượng công nhân lành nghề, EVNHCMC đã công nhận 49 người trong năm 2018 và hiện đang tổ chức thi thực hành cho 182 người để xét công nhận công nhân lành nghề năm 2019.
Nâng cao năng lực cạnh tranh qua nguồn nhân lực
Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để thực hiện vai trò và trách nhiệm của ngành điện, EVNHCMC đã xác định mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là “không ngừng đổi mới sáng tạo, tăng cường chất lượng dịch vụ, nâng cao năng suất lao động và hoàn thiện năng lực quản trị doanh nghiệp để đạt mức phát triển ngang tầm với các công ty điện lực hàng đầu của các nước tiên tiến trong khu vực”.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, EVNHCMC đặt trọng tâm vào việc huy động, phát triển mọi nguồn lực, đặc biệt tập trung cho nguồn nhân lực để nâng cao uy tín, thương hiệu và năng lực cạnh tranh của EVNHCMC.
Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, EVNHCMC sẽ có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên môn hóa cao, đủ khả năng nắm bắt công nghệ mới, có kỹ năng phân tích, giải quyết các tình huống phức tạp, dần thay thế chuyên gia, tư vấn nước ngoài; đồng thời xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, có kỷ luật công nghiệp, bảo đảm an toàn lao động, nâng cao năng suất lao động sản xuất kinh doanh trực tiếp.
Thời gian tới, EVNHCMC sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo kỹ sư tài năng, chương trình đào tạo sau đại học tại các quốc gia phát triển, đào tạo chuyên sâu cho các lĩnh vực chủ chốt; hoàn thiện cơ chế quản lý và đãi ngộ chuyên gia; tập trung xây dựng tiêu chuẩn thống nhất đối với lực lượng cán bộ kỹ thuật trong toàn tổng công ty; ban hành quy chế đào tạo bồi dưỡng và thi nâng bậc, giữ bậc, nhằm đưa lực lượng công nhân kỹ thuật tiến tới chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, từng bước nâng cao trình độ, hướng đến những tiêu chuẩn chung trong khu vực và trên thế giới.
EVNHCMC đã liên kết hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM để phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn ở các lĩnh vực chuyên môn cho người lao động và cán bộ trong quy hoạch. Nghiên cứu xây dựng và làm chủ chương trình đào tạo công nhân sửa chữa đường dây đang mang điện trung thế (live line) không chỉ cho công nhân của tổng công ty, mà còn đào tạo cho công nhân của các tổng công ty phân phối khác. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Theo đó, từ tháng 12-2013 đến nay, EVNHCMC đã đào tạo 361 người trong toàn tập đoàn. Trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện công nhận chuyên gia, công nhân lành nghề và tiêu chuẩn đăng bạ kỹ sư ASEAN, EVNHCMC đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm (265 người), phương pháp nghiên cứu khoa học (90 người), kỹ năng ngoại ngữ (143 người, học trực tuyến), bồi dưỡng chuyên môn sâu/chuyên ngành cho các cá nhân đăng ký trở thành chuyên gia, công nhân lành nghề. Đến tháng 10-2019, đã công nhận 20 kỹ sư trẻ đủ điều kiện để phát triển chuyên gia về lĩnh vực smart grid, relay - điều khiển tự động, thử nghiệm. Công nhận 42 chuyên gia thuộc các lĩnh vực smart grid, công nghệ thông tin, AMR/AMI, quản lý dự án và quản trị nguồn nhân lực. Có 104 kỹ sư được công nhận kỹ sư ASEAN. Công nhận 49 công nhân lành nghề trong các lĩnh vực bảo trì sửa chữa đường dây đang mang điện 24kV (live line); hệ thống thông tin địa lý (GIS); bảo trì, sửa chữa thiết bị GIS110kV; bảo trì sửa chữa cáp ngầm 110kV; thi công cáp ngầm trung thế; công nghệ thông tin; lưới điện thông minh; vận hành và xử lý sự cố cáp quang. |