Nhằm tiến gần hơn việc hoàn thiện thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế (MFC) ở Mátxcơva, chính phủ Nga đã quyết định mời các chuyên gia kinh tế của những tổ chức tài chính nổi tiếng như: Bank of America, Credit Suisse, Societe Generale, Ernst & Young, UniCredit và Nomura Holdings. Các chuyên gia kinh tế từ các tập đoàn tài chính này sẽ cùng hợp tác với các ngân hàng Sberbank, VTB, VEB và Troika Dialog để nghiên cứu và phát triển đề án thành lập bộ máy hoạt động của MFC.
Đứng đầu nhóm tư vấn là nhà lãnh đạo Sberbank, ông German Gref và Chủ tịch Credit Suisse, ông Urs Rohner. Giải đáp những thắc mắc của báo giới Nga về sự lựa chọn các chuyên gia kinh tế nước ngoài, ông Alexander Voloshin, lãnh đạo nhóm chuyên viên thành lập MFC, khẳng định: “Chúng tôi muốn xây dựng một nền kinh tế mở cửa”.
Sự kiện này cho thấy nỗ lực của chính phủ Nga trong việc đưa MFC trở thành một trung tâm tài chính của toàn thế giới. Phát triển một trung tâm tài chính thế giới nghĩa là mở rộng cánh cửa hội nhập với châu Âu và với nền kinh tế trên toàn cầu. Vài năm qua, Nga đã muốn phát triển nền kinh tế đa dạng hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng dầu mỏ và MFC chính là sự lựa chọn này. Sau khi MFC thành lập, Mátxcơva sẽ trở thành trung tâm tập hợp các thương vụ ngoại tệ, tín dụng và ngân hàng, cũng như giao dịch chứng khoán và vàng.
Sự phát triển của MFC sẽ nâng cao vị thế của đồng rúp như là một trong những ngoại tệ dự trữ tiềm năng, tạo cơ chế giúp thu hút đầu tư cho các dự án kinh tế, thị trường chứng khoán và cổ phiếu trong tương lai của Nga thúc đẩy nền kinh tế Nga phát triển. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những việc làm cần thiết hiện nay song song với việc thành lập MFC là cần thiết lập cơ sở pháp lý, cho phép thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường Nga một cách chặt chẽ hơn, tránh việc quá phụ thuộc vào những nguồn đầu tư này.
Trong năm 2010, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và nợ công phủ bóng đen lên nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Âu, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng ở mức 4%. Bên cạnh đó, với việc thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn hẳn các đối tác trong khối BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), với tổng số hơn 40 tỷ USD, kinh tế Nga được cho là đang bước sang một giai đoạn phát triển mới. Vốn đầu tư nước ngoài vào Nga đã được mở rộng sang nhiều ngành nghề khác như bán lẻ và ngân hàng, thay vì lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt như trước kia.
Thủ tướng Vladimir Putin từng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng mở cửa cho đầu tư, nhưng phải là những nguồn đầu tư minh bạch và thật sự mang lại sự phát triển cho nền kinh tế của đất nước. Chính phủ Nga hiện đã nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của những khoản đầu tư tư nhân đối với việc giải quyết các nhiệm vụ chiến lược hiện đại hóa đất nước và cho rằng, không có động thái nào của nhà nước, nguồn lực ngân sách, hay các quyết định hành chính có thể thay thế tính hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ Nga đang muốn hội nhập sâu và rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.
Thanh Hằng