Cả nước đang bước vào những tháng cuối năm, cũng là thời điểm chuyển mùa khi mà ở miền Nam là những cơn mưa như trút, còn người dân miền Bắc lại đối mặt với thời tiết ngày nóng đêm lạnh... là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát, lây lan dữ dội, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân. Trong những ngày này, các y, bác sĩ tại nhiều bệnh viện ở phía Nam đang rất vất vả và căng thẳng khi số trẻ nhỏ bị mắc dịch tay chân miệng (TCM) liên tục tăng cao, không chỉ gây quá tải bệnh viện mà còn tạo ra áp lực rất lớn đối với công tác điều trị. Theo Bộ Y tế, tính hết tuần đầu tiên của tháng 10 năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 61.821 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có gần 30.000 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2017, số người mắc TCM trong cả nước giảm 18,9% nhưng một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc TCM tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội. Số người mắc TCM chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam chiếm 77,6% số ca mắc của cả nước. Đối tượng mắc TCM chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi, chiếm tới 99,5% số ca mắc.
Cùng với dịch TCM, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác trong cả nước cũng đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Trong đó phải kể tới dịch sốt xuất huyết (SXH) đã ghi nhận trên 67.400 trường hợp, với 11 ca tử vong. Tiếp đó là dịch sởi ghi nhận hơn 1.093 ca dương tính với sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại các tỉnh thành phía Bắc. Trong số các dịch bệnh nguy hiểm đang diễn biến phức tạp, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội cũng đã có trên 400 trường hợp mắc sởi, 1.126 trường hợp mắc SXH, 1.639 trường hợp TCM, 64 trường hợp mắc ho gà, 13 trường hợp mắc liên cầu lợn, 8 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản và một số dịch bệnh khác. Trong đó đáng lo ngại nhất là dịch sởi ở Hà Nội đang bước vào chu kỳ dịch bùng phát khi số người mắc sởi đã tăng cao hơn 5 lần so với cả năm 2017.
Chưa dừng lại ở đó, nếu như ở trong nước nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang vào giai đoạn cao điểm lây lan rộng, khiến người dân và cộng đồng rất lo lắng, hoang mang thì không ít dịch bệnh nguy hiểm mới nổi khác trên thế giới như: Ebola, Mers CoV, cúm H7N9, bệnh tả heo... cũng đang rình rập xâm nhập vào nước ta, bởi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh bùng phát và lây lan với sự gia tăng nhanh số người mắc và tử vong. Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, trong đó cùng với các yếu tố do thời tiết, khí hậu tác động làm nhiều loại vi khuẩn, virus, muỗi truyền bệnh phát triển mạnh thì môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm chưa bảo đảm... cũng là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh nguy hiểm bủa vây cuộc sống và sức khỏe người dân. Đáng báo động khi ý thức phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhiều người, chính quyền và cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn rất chủ quan. Thậm chí không ít bệnh truyền nhiễm như: sởi, viêm não, rubella, cúm, viêm gan, bạch hầu, ho gà... đã có vaccine phòng ngừa và được tổ chức tiêm miễn phí tại các trạm y tế xã/phường nhưng nhiều gia đình vẫn không cho trẻ nhỏ đi tiêm ngừa vaccine đầy đủ và đúng lịch. Trong khi đó, việc xử lý ổ dịch tại một số địa phương còn chậm trễ, chưa triệt để. Nhiều hộ dân cũng bất hợp tác với cơ quan y tế trong các đợt phun hóa chất xử lý môi trường, xử lý ổ dịch khiến dịch bệnh trở nên dai dẳng hoặc tái đi tái lại. Không chỉ có vậy, số người mắc các dịch bệnh truyền nhiễm như: TCM, SXH, sởi... gia tăng cũng đồng nghĩa với việc nhiều bệnh viện trở nên quá tải bệnh nhân nhiễm dịch nhập viện điều trị, thực trạng này cũng làm gia tăng nguy cơ dịch chồng dịch, lây nhiễm chéo giữa các dịch bệnh với nhau trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân và đời sống kinh tế xã hội, cũng như không loại trừ bất cứ ai nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Do đó, để đối phó và ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm đang vào giai đoạn cao điểm thì bản thân mỗi người cần phải nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động trong việc phòng chống, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của cơ quan y tế để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng. Hơn nữa, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý cho trẻ nhỏ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Về phía các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và cộng đồng trong việc phòng ngừa dịch bệnh.
Đặc biệt, các đơn vị chức năng của ngành y tế cần tập trung vào công tác dự phòng, tăng cường giám sát, phát hiện sớm tác nhân gây bệnh mới nổi, các ổ dịch để xử lý triệt để, đồng thời rà soát các đối tượng còn chưa được tiêm vaccine đầy đủ để tổ chức tiêm chủng kịp thời, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Đối với các bệnh viện, phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện. Đồng thời không ngừng nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong, cũng như tổ chức phân tuyến điều trị khoa học, nhằm phòng lây nhiễm chéo dịch bệnh ngay tại các cơ sở y tế.