Ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh quốc gia

Chiều 15-6, Văn phòng Quốc hội đã họp báo về kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng đã trả lời các thắc mắc của báo giới.


Chiều 15-6, tại Nhà Quốc hội diễn ra buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XIV. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo.
Chiều 15-6, tại Nhà Quốc hội diễn ra buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XIV. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo.

* Phóng viên: Luật An ninh mạng (ANM) Quốc hội vừa thông qua có ảnh hưởng đến doanh nghiệp không, thưa ông?

- Ông NGUYỄN THANH HỒNG: Trong quá trình thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉnh lý dự án Luật ANM, Ủy ban Quốc phòng - An ninh hết sức lắng nghe ý kiến cử tri, các chuyên gia, đặc biệt ý kiến đại diện một số quốc gia, tổ chức như: Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU) và các hiệp hội Internet, viễn thông châu Á - Thái Bình Dương…

Trong quá trình chỉnh lý, nhiều vấn đề trong dự án luật do Chính phủ trình sang đã được tiếp thu, chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu về ANM. Luật ANM hoàn toàn không ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, tạo ra cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp trong, ngoài nước.

* Liệu Google, Facebook có rời bỏ Việt Nam?

- Ông NGUYỄN THANH HỒNG: Đến giờ này, 2 tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chưa có phản hồi chính thức nào. Một điều rất phấn khởi là sau khi Luật ANM được Quốc hội thông qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã thông tin rộng rãi nội dung của dự án luật, nên đến giờ này đã có sự đồng thuận rất cao trong nhận thức của nhân dân, các tổ chức về luật ANM.

* Được biết sau khi Luật ANM được thông qua, có thông tin Hiệp hội Các công ty Internet của châu Á - trong đó Facebook và Google là thành viên - đã bày tỏ thái độ không đồng tình?

- Ông NGUYỄN THANH HỒNG: Thông tin chính thức từ Chính phủ thì chưa có thông tin về việc này. Trên cộng đồng mạng, chúng tôi thấy đại diện Facebook có ý kiến sẽ nghiên cứu để triển khai nội dung quy định của luật này.

Xung quanh luật này, có 2 nội dung được quan tâm: đặt máy chủ và lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam. Đây cũng là 2 vấn đề còn ý kiến trái chiều ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu chính thức trong báo cáo thẩm tra Chính phủ cung cấp, có 18 quốc gia đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải lưu trữ dữ liệu, trong đó EU yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại 5 nước thành viên. Đây là đòi hỏi cần thiết, vừa bảo vệ an ninh quốc gia, vừa bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân.

Tôi xin nhấn mạnh, Luật ANM chỉ quy định lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam, chủ yếu là một số thông tin cá nhân người dùng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ bí mật dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Nếu nói Luật ANM tác động tới kinh tế, cản trở công nghiệp số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là không đúng.

* Luật ANM có điều khoản cấm, không được đăng tải thông tin mang tính chống đối nhà nước. Việc này có phải nhắm đến đối tượng chống đối Nhà nước hay không?

- Ông NGUYỄN HẠNH PHÚC: Điều 16 Luật ANM quy định cấm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh quốc gia, nếu không vi phạm thì không sao. Liên quan đến an ninh quốc gia thì phải cấm, quy định ở nước nào cũng vậy. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đương nhiên phải ngăn chặn. Đối tượng vi phạm phải xử lý.

* Quốc hội có công bố danh tính các đại biểu đồng ý và không đồng ý Luật ANM?

- Ông NGUYỄN HẠNH PHÚC: Biểu quyết của Quốc hội Việt Nam hiện nay thực hiện theo hình thức công khai kết quả nhưng không công khai danh tính trên bảng điện tử. Trong tổng số 283 nghị viện trên thế giới, khoảng 70 nghị viện biểu quyết có danh tính, còn lại là không có danh tính. Lựa chọn hình thức biểu quyết nào là quyền của Quốc hội. Việc nào cũng có hai mặt tích cực và không tích cực.

Tại kỳ họp thứ 13, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc có đề nghị Quốc hội ta xem xét chuyển sang hình thức biểu quyết có danh tính. Sau đó, khi Quốc hội lấy ý kiến để sửa nội quy kỳ họp có đưa nội dung này ra xin ý kiến nhưng các đại biểu đã lựa chọn hình thức biểu quyết như các kỳ họp trước, nghĩa là biểu quyết không có danh tính.

* Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã nêu rõ việc lùi dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện; đồng thời giao UBTVQH tiếp thu ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân để hoàn thiện dự thảo. Việc lấy ý kiến nhân dân có tiến hành bài bản như với Bộ luật Đất đai, Bộ luật Hình sự hay vẫn tiếp thu trên cơ sở ý kiến đóng góp tại kỳ họp này, thưa ông?

- Ông NGUYỄN HẠNH PHÚC: Sau khi đã thảo luận tại hội trường, ĐBQH có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh luật này. Vừa qua, cử tri, nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học cũng có nhiều ý kiến đóng góp, tham gia. UBTVQH đã tổ chức nhiều cuộc xin ý kiến các nhà khoa học và đi tìm hiểu các đặc khu nước ngoài có sẵn để học tập. Khi trao đổi về dự án luật, có ý kiến khác nhau nên Quốc hội cho lui lại để tiếp tục nghiên cứu tiếp, trên cơ sở đó, sẽ có nhiều cuộc nữa. Vừa qua, có nhiều điều khoản thấy chưa phù hợp, ví dụ như quy định cho thuê đất 99 năm có thể sẽ chỉ thực hiện theo quy định Luật Đất đai hiện hành. Hay như quy định về thuế, chính sách thuế… tới đây sẽ phải rà soát cho phù hợp.

* Từ vụ việc ở Bình Thuận, đã có nhiều ý kiến cho rằng Luật Biểu tình được đưa ra hơn 10 năm rồi nhưng vẫn chưa được xây dựng. Vậy đến khi nào Quốc hội mới bàn về Luật Biểu tình?

- Ông NGUYỄN HẠNH PHÚC: UBTVQH cũng quan tâm đến Luật Biểu tình. Năm 2016, trong chương trình xây dựng luật năm 2017, UBTVQH có đề nghị Chính phủ trình sớm, hoàn thiện dự án luật này để báo cáo trình Quốc hội. Hiện Chính phủ đang tích cực chuẩn bị, khi nào Chính phủ hoàn thiện thì báo cáo UBTVQH, Quốc hội cho ý kiến.

Tin cùng chuyên mục