Nghiêm khắc xử lý sai phạm kể cả khi về hưu

Hôm nay 25-10, một nội dung trong chương trình nghị sự của Quốc hội là nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng. Liên quan đến vấn đề này, ngày 24-10, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ ý kiến.
Nghiêm khắc xử lý sai phạm kể cả khi về hưu

Hôm nay 25-10, một nội dung trong chương trình nghị sự của Quốc hội là nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng. Liên quan đến vấn đề này, ngày 24-10, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ ý kiến.

Nghiêm khắc xử lý sai phạm kể cả khi về hưu ảnh 1

* Phóng viên: Thưa ông, Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo về một số sai phạm liên quan đến việc ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, đây cũng không phải trường hợp cá biệt. Ông có bình luận gì?

* Ông LÊ NHƯ TIẾN: Tôi đã nhiều lần nêu yêu cầu phải có quy định cấm cán bộ quản lý trước khi nghỉ hưu một thời gian ngắn (6 tháng) ký quyết định nhân sự và dự án đầu tư. Đó chính là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu; ngăn chặn tâm lý nghỉ hưu rồi thì cố làm chuyến tàu vét.

* Có nên quy định đến mức là nếu vẫn cố tình ký thì sẽ bị vô hiệu hóa quyết định đó không? Hoặc là sẽ bị hồi tố, kể cả “hạ cánh” rồi vẫn không an toàn?

* Có chứ. Thậm chí, kể cả khi không phải vì những khoản hối lộ mà chỉ vì người sắp nghỉ hưu có tâm lý sắp rời xa nhiệm sở nên cũng muốn “ban ơn” cho ai đó. Mà thực tế là trường hợp của ông Hồ Xuân Mãn khi đã nghỉ hưu xuất hiện việc khai man để nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thì cho đến bây giờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn làm rõ; khẳng định có 8/15 vấn đề không đúng sự thật và quyết định thu hồi lại danh hiệu đó. Vậy tại sao với ông Trần Văn Truyền và những người khác lại không?

* Dư luận băn khoăn về việc xác minh khối tài sản lớn của ông Trần Văn Truyền, đến bây giờ vẫn chưa có kết quả? Chẳng lẽ việc này lại khó đến thế?

* Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc khẩn trương vì truy tìm những căn cứ pháp lý về khối tài sản ấy không phải là việc quá phức tạp, quá khó khăn. Muốn phòng chống tham nhũng phải làm triệt để việc minh bạch tài sản và thực hiện nghĩa vụ giải trình. Nghĩa vụ giải trình mà không làm được tốt thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Lâu nay chúng ta có kê khai tài sản đấy, nhưng không công khai. Công khai có hai ý nghĩa, một là để phòng ngừa, răn đe và đồng thời nếu xác định tiền ấy là tiền “rửa” hoặc không chính đáng thì còn phải xử lý nữa. Và phải công khai ở nơi cư trú và nơi công tác thì các cử tri, cán bộ công chức dưới quyền mới kiểm soát được. Hơn ai hết, ở khu dân cư người ta biết ngay anh có ô tô gì, nhà cửa ra sao, lối sống như thế nào… Chúng ta cứ nói phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân nhưng thật ra cơ chế cho nhân dân phòng chống tham nhũng còn rất khiêm tốn.

* Quan chức tạo “sân sau” để sau khi về hưu thụ hưởng cũng là một tình trạng cần ngăn chặn, ông có nghĩ như vậy?

* Đúng là nhiều quan chức vừa rồi sau khi nghỉ hưu lại có vị trí nghe có vẻ thơm thảo hơn, thu nhập lớn hơn so với thu nhập chính đáng trước khi nghỉ. Vì sao? Vì họ có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ rất sớm. Họ có thể chuyển vốn, tài sản một phần của công ty mẹ sang các công ty con, công ty cháu để sau này họ hưởng lợi từ các công ty đó. Họ cũng mua bán, tham gia cổ đông của nhiều công ty, trong khi pháp luật của ta không cấm điều ấy. Anh có tiền, có khả năng thì cứ mua cổ phiếu. Thậm chí, tôi được biết có những công ty, doanh nghiệp trực thuộc bộ đó lại mua hàng vạn cổ phiếu, cổ phần cho các quan chức lãnh đạo. Đó cũng chính là một kẽ hở. Mà họ cũng rất tinh vi, không đứng tên mà lấy tên con cháu, người thân. Đó chính là một hình thức chuyển dịch tài sản cho những người thân của mình.

* Cảm ơn ông.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục