Người Kurd ở Iraq bỏ phiếu đòi độc lập - Dư luận phản đối chủ nghĩa ly khai

Các nước láng giềng của Iraq là Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại một nhà nước độc lập của người Kurd có thể kích động chủ nghĩa ly khai tại khu vực có đông người Kurd sinh sống.
Những người ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd ở Iraq
Những người ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd ở Iraq

Ngày 25-9, người Kurd sinh sống tại miền Bắc Iraq đã bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương đầu tiên, nhằm củng cố chính quyền bán tự trị của vùng này. Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trong bối cảnh chính quyền trung ương Iraq cũng như một số quốc gia khu vực đã đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn có thể châm ngòi cho cuộc nội chiến.

Nội bộ lục đục

Cuộc bỏ phiếu là giai đoạn đầu trong cuộc bầu cử 3 giai đoạn nhằm chọn ra đại diện các cấp quận, thành phố và vùng. Cuộc bầu cử này được hy vọng là bước tiến hướng tới hệ thống liên bang mà họ tìm kiếm bấy lâu nay.

Phát biểu trước khi trưng cầu ý dân diễn ra, ông Masoud Barzani, người đứng đầu khu tự trị người Kurd tại Iraq tuyên bố: “Cuộc trưng cầu ý dân này không phải là để vẽ lại biên giới của người Kurd. Sau cuộc trưng cầu ý dân, chúng tôi đã sẵn sàng để bắt đầu quá trình đối thoại với Baghdad”.

Người Kurd chiếm khoảng 20% dân số Iraq đã đòi quyền tự quyết từ mấy chục năm qua. Chính vì thế, cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd đã vấp phải sự phản đối của chính quyền trung ương Iraq.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 24-9 cảnh báo người Kurd đang đùa với lửa vì cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Chính quyền khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq có thể gây chia rẽ sắc tộc, khiến người dân Iraq phải đối mặt với những hiểm họa khôn lường.

“Chính phủ luôn phản đối các hành động chống lại hiến pháp Quyết định trưng cầu ý dân về độc lập của chính quyền khu tự trị người Kurd là quyết định đơn phương, đe dọa an ninh và sự thống nhất của đất nước, ảnh hưởng đến mọi người dân”, ông Haider al-Abadi khẳng định.

Để đáp trả kế hoạch trưng cầu độc lập, chính phủ Iraq đã yêu cầu chính quyền khu tự trị người Kurd giao lại quyền kiểm soát các cửa khẩu biên giới quốc tế và các sân bay quốc tế trong khu vực, cũng như yêu cầu các quốc gia khác ngừng giao dịch mua bán dầu mỏ với người Kurd.

Láng giềng lo ngại

Các nước láng giềng của Iraq là Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối kế hoạch này do lo ngại một nhà nước độc lập của người Kurd có thể kích động chủ nghĩa ly khai tại khu vực có đông người Kurd sinh sống.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả lại cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq sẽ bao gồm các lĩnh vực an ninh, ngoại giao, chính trị và kinh tế. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli cũng bày tỏ quan ngại về tác động của cuộc trưng cầu ý dân đối với các mối quan hệ về sắc tộc và tôn giáo trong khu vực, cho rằng nó có thể làm bùng phát một “ngọn lửa không kiểm soát được”.

Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Baqeri đã cảnh báo rằng cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurd tại Iraq có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với các lợi ích của người dân trong khu vực.

Các quan chức chính trị và quân sự của Iran cũng lên tiếng phản đối cuộc trưng cầu dân ý của giới lãnh đạo khu vực người Kurd, cho rằng một đất nước Iraq ổn định, an toàn và thống nhất sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình và phát triển của nước này.

Liên đoàn Arab (AL) cũng đã phản đối cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq và nhất trí thông qua một nghị quyết bác bỏ cuộc trưng cầu ý dân này.

Mỹ cảnh báo sẽ không thể giúp người Kurd tiến tới một thỏa thuận tốt hơn với Chính phủ Iraq nếu họ ngoan cố tiến hành cuộc trưng cầu, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq đối thoại nghiêm túc và lâu dài với chính quyền trung ương về mọi vấn đề liên quan, trong đó có tương lai mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Báo cáo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì cuộc trưng cầu này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Tin cùng chuyên mục