Người làm công tác tuyên truyền miệng phải am hiểu vấn đề, nói đi đôi với làm

Theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, trình độ dân trí hiện nay khá cao, do đó công tác tuyên truyền miệng ngày càng khó khăn, không phải nói một chiều theo tài liệu là được và người dân cũng không nghe theo một cách máy móc. 

Chiều 15-12, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư (khoá X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới. 

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Đặng Mạnh Trung, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM; Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Phát huy vai trò cầu nối

Theo báo cáo, qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp ở Đảng bộ TPHCM đã phát huy vai trò cầu nối quan trọng, gắn kết mối quan hệ các cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, góp phần đưa những đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, phát luật của nhà nước, nghị quyết của cấp ủy các cấp đi vào cuộc sống. 

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền miệng thích ứng với tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ TPHCM, tăng cường sự thống nhất trong nội bộ Đảng và sự đồng thuận của nhân dân. Chất lượng, hiệu quả hoạt động đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp có nhiều chuyến biến tích cực, nhất là vai trò của các đồng chí cấp ủy các cấp. Đội ngũ báo cáo viên được tổ chức chặt chẽ có hệ thống từ thành phố đến cơ sở; được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng. 

Người làm công tác tuyên truyền miệng phải am hiểu vấn đề, nói đi đôi với làm ảnh 1 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu tặng Bằng khen cho cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 17. Ảnh: VIỆT DŨNG
Năm 2012, toàn thành phố có 75 báo cáo viên, năm 2019 có 64 đồng chí báo cáo viên cấp thành phố. Đến nay, qua rà soát, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, Đảng bộ TPHCM có 58 đồng chí báo cáo viên cấp thành phố và 7 đồng chí báo cáo viên cấp Trung ương. 

Nhận thức về vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng cao, nhất là yêu cầu đòi hỏi phải không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền miệng trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, nhằm kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Nhận xét về công tác tuyên truyền miệng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền nhìn nhận, bên cạnh những mặt làm được, một số cấp ủy, có lúc, có nơi có biểu hiện “giao khoán” công tác tuyên truyền miệng, tổ chức hoạt động báo cáo viên và cung cấp thông tin cho Ban Tuyên giáo; chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của từng báo cáo viên trong việc chủ động tập hợp, cập nhật, cung cấp, định hướng thông tin trong lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách. Một số cấp ủy, nhất là ở cơ sở, có tâm lý e ngại khi trực tiếp đối thoại và định hướng thông tin đối với những vấn đề mang tính thời sự, nhạy cảm. Nội dung thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng ở một số địa bàn chưa chủ động, kịp thời, sắc bén; công tác định hướng một số sự kiện thời sự, các vấn đề "nóng" được quan tâm còn chậm. 

Một số cấp ủy các đơn vị kinh tế, sự nghiệp chưa quan tâm đúng mức việc xây dụng đội ngũ báo cáo viên; chưa chủ động dự báo, xây dựng kế hoạch, chương trình nhằm kịp thời cung cấp, bồi dưỡng, cập nhật, định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên, người lao động tại đơn vị.

Đa dạng cách tuyên truyền

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền miệng tại cơ quan, đơn vị mình.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 10 Nguyễn Bắc Nam, thực hiện Chị thị 17, Ban Thường vụ Quận ủy quận 10 chỉ đạo tập trung xây dựng đội ngũ báo cáo viên có chất lượng. Hiện toàn quận có 1.035 đồng chí là báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong đó, có 30 đồng chí là báo cáo viên cấp quận. 

Người làm công tác tuyên truyền miệng phải am hiểu vấn đề, nói đi đôi với làm ảnh 2 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê tặng Bằng khen cho cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 17. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, Ban Thường vụ Quận ủy quận 10 cũng đã xây dựng các văn bản hướng dẫn tuyên truyền hàng tháng, hàng quý và tuyên truyền chuyên đề để hướng dẫn cơ sở thực hiện. Song song đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy thường xuyên tham mưu Ban Thường vụ Quận ủy công tác rà soát, kiện toàn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên quận và cơ sở. Duy trì chế độ giao ban dư luận xã hội hàng tháng, qua đó kịp thời nắm bắt những phản ánh của dư luận trong hoạt động tuyên truyền, nhất là những phản ánh về chủ trương mới của Trung ương, thành phố và quận liên quan đến các vấn đề về kinh tế - văn hoá - xã hội. Đồng thời, chủ động biên soạn tóm lược các tài liệu tuyên truyền miệng phù hợp với từng đối tượng hoàn cảnh, đặc thù của địa phương, cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác tuyên truyền miệng. 

Về cách làm hiệu quả trong lãnh đạo, đổi mới công tác tuyên truyền miệng, đồng chí Võ Cao Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp TPHCM cho biết, thời gian qua, Đảng ủy Ban Quản lý đã lồng ghép các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác Đảng, công tác đoàn thể. Đồng thời, tổ chức hội nghị đối thoại của người đứng đầu với cấp ủy, chính quyền, với cán bộ, đoàn viên, hội viên và công nhân, người lao động của đơn vị; đa dạng các hình thức tuyên truyền bằng mô hình trực quan, thiết kế các ấn phẩm tài liệu tuyên truyền. 

Trong khi đó, Huyện ủy Bình Chánh đẩy mạnh hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu các đơn vị với công dân; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị được phân công phụ trách chi, đảng bộ cơ sở thường xuyên dự sinh hoạt. Qua đó, nằm bắt tình hình chi bộ, tham gia tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và kịp thời báo cáo, kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của chi bộ.

BHXH TPHCM cũng có nhiều cách làm nổi bật trong triển khai thực hiện công tác tuyên truyền miệng. Theo Phó Giám đốc BHXH TPHCM Nguyễn Thị Thu Hằng, BHXH đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương về công tác tuyên truyền, tuyên truyền miệng. Trong các năm qua, BHXH TPHCM đã ký kết quy chế phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT với 29 cơ quan báo, đài và 17 sở, ban, ngành. Hàng năm, BHXH TPHCM chủ động tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, báo chí về tình hình, kết quả thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; cung cấp những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm. 

Mời người ngoài hệ thống chính trị tham gia làm báo cáo viên
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhận định, công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ TPHCM không chỉ góp phần sớm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh phản biện, góp ý, chuyển tải những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến các cấp có thẩm quyền. Góp phần giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 
Người làm công tác tuyên truyền miệng phải am hiểu vấn đề, nói đi đôi với làm ảnh 3 Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhắc đến những mặt hạn chế, khó khăn mà hội nghị đã chỉ ra, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, thực tế còn có tình trạng “khoán trắng” công tác tuyên truyền cho lực lượng Ban Tuyên giáo. Theo đồng chí, hệ thống chính trị bao phủ rộng khắp, từ cấp thành phố đến khu phố, tổ dân phố nhưng có tình trạng những vấn đề phát sinh không được nắm sát, nắm chắc, không kịp thời xử lý dẫn đến có những vụ việc bùng phát và sau đó phải xử lý những vấn đề phức tạp hơn.
Thậm chí, có tình trạng một số cấp ủy, tập thể lãnh đạo chưa nắm sát tình hình dư luận ngay trong cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo, xử lý. Do đó, đồng chí yêu cầu lực lượng làm công tác tuyên giáo và rộng hơn là cấp ủy lãnh đạo các địa phương, đơn vị phải nâng cao được độ nhạy cảm chính trị, để khi tiếp cận được các vấn đề dù nhỏ nhưng biết trước sẽ có những tác động. Từ đó dự báo tình hình, chuẩn bị các phương án để tuyên truyền vận động, trong đó có tuyên truyền miệng; bố trí lực lượng và triển khai thực hiện đúng lúc, đúng chỗ, kịp thời.
Một trong những yêu cầu đối với lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng hiện nay là phải am hiểu sâu vấn đề, có uy tín, có khả năng thuyết phục, nói phải đi đôi với làm để người khác tin tưởng nghe theo. “Trình độ dân trí hiện nay khá cao. Do đó, công tác tuyên truyền miệng ngày càng khó khăn, không phải nói một chiều theo tài liệu là được và người dân cũng không nghe theo một cách máy móc. Bên cạnh đó, kênh thông tin phản hồi ngoài xã hội quá lớn nên người làm công tác tuyên truyền miệng phải thật am tường lĩnh vực mình tuyên truyền”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhận định và yêu cầu người làm công tác tuyên truyền miệng cũng phải truyền được cảm hứng cách mạng, truyền lửa, tinh thần trách nhiệm trong lao động, học tập sáng tạo để bảo vệ Tổ quốc đến các tầng lớp nhân dân. 
Trước tốc độ phát triển và bùng nổ thông tin hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu cấp ủy các cấp, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17. Thường xuyên đánh giá, đo lường hiệu quả thực tế công tác tuyên truyền miệng thông qua chuyển biến nhận thức của cấp ủy Đảng và cán bộ đảng viên và nhân dân; nhân rộng các mô hình hay, giải pháp hiệu quả trong tuyên truyền miệng.
Người làm công tác tuyên truyền miệng phải am hiểu vấn đề, nói đi đôi với làm ảnh 4 Tặng Bằng khen cho cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 17. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng với đó, tăng cường về số lượng và chất lượng cho đội ngũ báo cáo viên. “TPHCM có 58 báo cáo viên cấp thành phố, 900 báo cáo viên và 8.800 tuyên truyền viên cấp cơ sở. So với 12 triệu dân và hàng triệu đảng viên, đoàn viên, hội viên, liệu số lượng này có đáp ứng đủ nhu cầu, đi vào được từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn?”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đặt câu hỏi và cho rằng cần quan tâm, mở rộng thêm về số lượng và chất lượng đội ngũ báo cáo viên bằng cách mời gọi, kết nạp các thành phần, lực lượng bên ngoài hệ thống chính trị. Đó là những người có khả năng thực hiện công tác tuyên truyền miệng chuyên sâu ở những mảng, lĩnh vực họ có kiến thức. Có thể mời gọi bằng cơ chế chuyên gia, cộng tác viên hoặc báo cáo viên…
Song song đó, đẩy mạnh hơn nữa cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và Ban Tuyên giáo các cấp theo hướng chủ động, trách nhiệm, kịp thời, sát tình hình, nhằm định hướng dư luận đối với các vấn đề bức xúc trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên. 

Dịp này, Thành ủy TPHCM khen thưởng 52 tập thể và 64 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 17.

Tin cùng chuyên mục