Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, không chú trọng các phong trào hình thức, nhiều trường học ở TPHCM đã đổi mới tư duy, thiết thực tạo ra những sản phẩm dạy và học sáng tạo. Không theo lối mòn truyền thụ kiến thức một chiều, thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn chọn chủ đề, còn học sinh tự xây dựng nội dung, tạo ra những tiết học mới lạ, lung linh sắc màu cuộc sống.
Được thỏa sức sáng tạo, phát huy sở trường, năng khiếu, học trò các khối lớp chủ động dựng kịch bản, đóng phim, quay clip, diễn kịch, thuyết trình… một cách chuyên nghiệp đến không ngờ. Khi xem học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM học liên môn, tích hợp và dựng kịch bản, lồng ghép âm thanh, ánh sáng, nhất là hóa thân vào từng tác phẩm, nhân vật văn học, tái hiện sự kiện lịch sử…, đến cả thành viên ban giám khảo thuộc giới văn hóa nghệ thuật cũng phải thán phục. Đặc biệt, ở tiết học môn Văn với chủ đề “Tiếng vọng non sông”, thông qua sân khấu hóa, học sinh của trường đã chinh phục phụ huynh, giáo viên bằng trích đoạn, kịch bản hấp dẫn, diễn xuất hay, chuyên nghiệp.
Ở những tiết học về giáo dục công dân, kỹ năng sống, học sinh từ bậc THCS cũng trổ tài năng động, sáng tạo ngoài sức tưởng tượng. Để trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình trước nạn bạo lực học đường lẫn nguy cơ thiếu an toàn rình rập, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã thể hiện chủ đề “Tôi bảo vệ tôi”.
Thông qua các tiểu phẩm, video clip, hình ảnh đa dạng, nội dung phong phú, các em không chỉ cảnh báo mà còn đưa ra các giải pháp xử lý tình huống, cạm bẫy có thể xảy ra. Và đây chính là những bài học thiết thực, có ý nghĩa và nó giúp học sinh biết cách tự bảo vệ mình tốt nhất. Ấn tượng hơn là tiết học “Tình bạn” của học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Văn Ơn quận 1 TPHCM được thuyết trình bằng tiếng Anh. Không chỉ dựng các đoạn video sinh động, trong đó phỏng vấn cả người ngoài, các em còn tự tin thuyết trình, làm chủ tiết học, dẫn dắt bài học theo chủ đề phỏng vấn phụ huynh, trao đổi với giáo viên, bạn học. Từ chuyên đề “Tình bạn”, các em đã đưa ra thông điệp gần gũi như bạn bè học đường và qua mạng xã hội, Facebook, tình bạn khác giới, kết bạn với cha mẹ, thầy cô hoặc làm bạn với động vật, với môi trường... Có thể nói, mỗi giờ học sáng tạo, được trao quyền làm chủ, tự thiết kế bài học đã giúp học sinh hiểu sâu, nhớ kỹ, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế đời sống. Dù thực hiện những dự án dạy và học sáng tạo luôn tốn thời gian, công sức đầu tư nhưng nó lại có sức lôi cuốn, hấp dẫn đối với cả thầy lẫn trò. Chỉ cần sự quan tâm, khuyến khích của ban giám hiệu, họ sẵn sàng “nhảy vào lửa”, sẵn sàng đổi mới.
Theo các chuyên gia giáo dục, một tiết học sáng tạo, trải nghiệm như nói trên mang lại hiệu quả gấp 10 lần hoặc cao hơn so với tiết học truyền thống, nhồi nhét kiến thức. Ngoài việc bổ ích, thiết thực, đi đúng xu hướng giáo dục tiên tiến - coi học sinh là trung tâm, môi trường này rèn cho học trò thói quen tự học, phát triển tư duy sáng tạo, bổ sung nhiều kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tự tin thuyết trình, tổ chức lãnh đạo… Tuy đứng sau học trò, dành sân chơi sáng tạo cho các em vùng vẫy, thể hiện sở trường, năng khiếu, nhiều thầy cô thừa nhận học trò của mình bây giờ thông minh, giỏi tiếng Anh, công nghệ và năng động hơn mình. Vì thế, nếu chỉ dừng ở những bài giảng khô khan, cô đọng từ sách giáo khoa, học trò sẽ thấy nhàm chán. Điều các em cần là thầy cô hiểu rõ năng lực của trò và biết cách truyền chất xúc tác, lửa đam mê sáng tạo để các em tự tìm tòi, mày mò, khám phá tri thức, công nghệ. Như thế, vai trò của người thầy trong kỷ nguyên số và sự bành trướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải đổi mới về tư duy lẫn cách truyền thụ kiến thức. Bởi lẽ tri thức là vô tận và để giúp học trò khám phá kho tàng này, tiếp cận kiến thức mới nhất, các em phải được nhúng vào môi trường trải nghiệm, thực hành, tự giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Để hiểu và theo kịp học trò, giúp giới trẻ kiến tạo tri thức, làm chủ công nghệ thì nhà trường phải đổi mới công nghệ giáo dục, từng thầy cô cũng phải tiên phong làm mới mình. Từ vai trò “thợ dạy”, giáo viên phải trở thành người thiết kế, cố vấn, huấn luyện, tạo ra môi trường học tập tương tác, sáng tạo. Có như vậy, học trò-công dân trẻ ở kỷ nguyên số hóa mới có thể thích ứng với đòi hỏi cao của nền kinh tế tri thức bằng sự năng động, sáng tạo, hội đủ kỹ năng mềm.
Khánh Bình