Người tiêu dùng lên tiếng

Mấy ngày gần đây, cư dân mạng Việt Nam truyền nhau một thông điệp đáng chú ý liên quan đến “sự kiện Vedan”. Xin trích nguyên văn: “Hành động hủy hoại môi trường sống sông Thị Vải là hành vi cố ý vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, với những quy định xử phạt hiện nay của Luật Bảo vệ môi trường, theo ý kiến của nhiều người, không đủ sức răn đe và ngăn ngừa các hành động tương tự. Do đó, đề nghị người dân hãy tẩy chay các sản phẩm của Công ty TNHH Vedan Việt Nam. Việc tẩy chay sản phẩm của Vedan sẽ có các tác dụng: Nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường, đồng thời gây áp lực đối với Vedan (nói riêng) và các doanh nghiệp (nói chung). Mỗi người hãy chung tay bảo vệ đất nước tươi đẹp, đừng vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ môi trường sống của chúng ta và thế hệ con cháu sau này”.

Thông điệp này phát đi đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người thông qua việc “gửi cho bạn bè càng nhiều càng tốt”. Tuy đây là hành động tự phát, thiếu tính tổ chức nhưng rõ ràng nó cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến sức mạnh của mình. Từ trước đến nay, “hình phạt” này chưa được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng, một phần do thiếu lời kêu gọi từ các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phần khác do người tiêu dùng Việt Nam còn lạ lẫm trong việc gắn bảo vệ môi trường sống với túi tiền của từng người. Thế nên, phản ứng nếu có cũng mới chỉ của từng cá nhân riêng lẻ, chưa “ép phê” với các doanh nghiệp làm ăn gian dối, xem thường sức khỏe cộng đồng. Thực ra, trên thế giới, nhất là các nước phát triển, người tiêu dùng rất hiểu và sử dụng rất tốt sức mạnh của mình để yêu cầu những nhà sản xuất, kinh doanh thực hiện trách nhiệm xã hội của họ.

Lần này, người tiêu dùng Việt Nam phản ứng mạnh có thể do hành vi của Vedan không chỉ dừng lại ở việc gây ô nhiễm môi trường “một cách bình thường” mà những người lãnh đạo doanh nghiệp này đã sử dụng các hành vi vô cùng tinh vi, man trá để “giết chết” môi trường. Một hành vi mà nhiều bạn đọc không ngần ngại dùng từ “tội ác” để định danh nó. Chưa biết hiệu quả của thông điệp trên sẽ như thế nào nhưng điều đáng mừng là người tiêu dùng đã có ý thức nói không với sản phẩm của những đơn vị gây ô nhiễm môi trường. Và có lẽ người tiêu dùng hoàn toàn hiểu rằng, dù Vedan có đóng phạt hàng trăm tỷ đồng, lãnh đạo Vedan có bị xử lý hình sự, thậm chí doanh nghiệp này vĩnh viễn đóng cửa thì cũng còn lâu lắm sông Thị Vải mới hồi sinh. Vì thế, họ chọn cách tốt nhất là kêu gọi nhau “cùng lên tiếng”, để không còn “Vedan” nào có thể tồn tại từ đây về sau.

Hương Uyên

Tin cùng chuyên mục