Thực ra, lòng yêu nước cũng giống như tình yêu thương cha mẹ người thân, yêu cái đẹp trong thiên nhiên, con người đã có trong bản năng. Những người bình thường lớn lên trong hoàn cảnh bình thường không có gì đặc biệt đều có những tình cảm ấy. Trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta đã minh chứng điều đó. Khi nước nhà bị ngoại bang xâm lược, hết thảy mọi người từ giới có học đến những người không biết chữ, không hề được đến trường học đều cháy bỏng tinh thần yêu nước, sẵn sàng xả thân để bảo vệ quyền tự quyết dân tộc, độc lập tự do cho đất nước.
Tuy nhiên, yêu nước cũng giống như mọi tình cảm khác rất cần được nuôi dưỡng, chăm sóc và hướng dẫn. Tinh thần yêu nước không thể dừng lại ở tự phát và phải phát triển tới mức ý thức tự giác. Chính vì vậy, nhà nước nào cũng yêu cầu trường học phải coi trọng giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh. Vấn đề đặt ra là giáo dục, giảng dạy thế nào cho có hiệu quả. Trong thực tế và khoa học đã khẳng định, muốn có hiệu quả phải có sự phù hợp. Thực tế cho thấy tinh thần yêu nước là một dạng tình cảm thuần khiết tự nhiên. Tinh thần ấy bắt đầu từ tình yêu cha mẹ, anh em ruột thịt, người thân thích xung quanh.
Hiếu với cha mẹ, kính trọng thầy cô, quý mến bạn bè, yêu thiên nhiên là những tình cảm đã có sẵn trong mỗi đứa trẻ cần phải được nuôi dưỡng, chăm chút. Theo từng lứa tuổi, hướng cho mỗi học sinh hiểu rõ yêu nước gắn với những đức tính tốt đẹp như ham học hỏi, quý trọng tài sản công cộng, tôn trọng pháp luật, biết thương người bất hạnh, nghèo khó, biết yêu cái đẹp, sống có tình có nghĩa… Hướng dẫn cụ thể thiếu niên, nhi đồng làm theo 5 điều Bác Hồ dạy.
Kinh nghiệm từ những thế hệ đã trải qua chiến tranh được giáo dục trong nhà trường vẫn có những giá trị thời sự. Thủa thiếu niên rất yêu quý tấm khăn quàng đỏ và những bài hát đồng ca. Tới tuổi thanh niên luôn đeo huy hiệu Đoàn và tự giác học thuộc quốc ca.
Vừa rồi, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết chương trình năm học mới này sẽ chú trọng nội dung nâng cao kiến thức cho học sinh. Đây là điều cần thiết. Thế hệ lãnh đạo, quản lý đất nước trong tương lai rất cần có kiến thức sâu rộng về mọi mặt. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, kiến thức là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cần phải có tinh thần yêu nước mạnh mẽ và biết cách yêu nước.
Đất nước sẽ đi về đâu nếu tuổi trẻ không cảm thấy sự thiêng liêng của lá cờ đỏ sao vàng, của quốc ca, không coi trọng đạo hiếu, không tình nghĩa với bạn bè…
Sẽ là một sai lầm nếu trong nhà trường vấn đề giáo dục nâng cao tinh thần yêu nước chỉ giao phó cho các môn giáo dục công dân, chính trị hay các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Vấn đề này cần phải được thể hiện xuyên suốt và bao trùm lên tất cả các tiết học, các sinh hoạt ngoại khóa, vui chơi và trong suốt thời gian học sinh ở trường. Làm thế nào để học sinh kính trọng, biết ơn thầy cô. Trách nhiệm này thuộc về các thầy cô giáo. Bởi “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” là khởi nguồn của lòng yêu nước.
Trần Văn