* PHÓNG VIÊN: Rất nhiều nhà văn khi được hỏi, đều cho rằng viết cho thiếu nhi không dễ. Chị có phải là trường hợp ngoại lệ?
* Nhà văn TRẦN GIA BẢO: Thật sự mà nói, viết cho trẻ con không dễ, bởi vì nếu không khéo, dễ thành “cưa sừng làm con nít”, hoặc mình đang nói bằng cái nhìn của người lớn áp đặt lên các em. Cho nên, để viết được cho thiếu nhi đòi hỏi người viết phải hiểu được tâm lý, thở bằng hơi thở và nói bằng ngôn ngữ của các em. Người viết phải giống như một đứa trẻ, sống trong bầu không gian của các em.
* Làm báo cho thiếu nhi có phải là một lợi thế của chị khi chuyển sang sáng tác?
* Đúng là làm báo cho thiếu nhi là một thuận lợi cho tôi. Nghề báo và chuyện viết lách có mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Đặc biệt, làm báo cho thiếu nhi trong một thời gian dài giúp tôi có thêm những trải nghiệm, được tiếp cận với trẻ con ở nhiều vùng miền, nhiều cảnh đời khác nhau. Tất cả những điều ấy được tích lũy, giúp ích cho tôi rất nhiều và đến một lúc nào đó, tự dưng nó chảy tràn trên trang viết bằng cảm xúc chân thật mà mình có được trong quá trình làm nghề cũng như những trải nghiệm trong cuộc sống.
* Bộ đôi tác phẩm Nông trại hoa đậu biếc và Soái ca mèo mái ngói giống như một sự tiếp nối của Những ngôi làng trên triền dốc khi cùng viết cho thiếu nhi và cùng chọn thể loại đồng thoại. Vì sao chị lại chọn thể loại này?
* Tôi nhớ lại ngày mình còn nhỏ, rất thích đọc truyện đồng thoại. Bởi vì khi viết đồng thoại, người viết đang nhìn tất cả sự vật xung quanh mình bằng đôi mắt, bằng sự tưởng tượng bay bổng của trẻ thơ. Và rõ ràng, thể loại này dễ chinh phục các em nhỏ vì nó gần gũi với các em. Bằng tình yêu đối với thể loại này từ khi còn nhỏ, cũng như trải qua quá trình dài làm báo cho thiếu nhi, gần gũi với trẻ con, tôi cảm thấy mình rất hợp khi đặt bút sáng tác với thể loại này. Chỉ có trẻ con mới nhìn được sự kỳ bí, huyền diệu của đồ vật, cỏ cây hoa lá, của những muông thú xung quanh mình. Đó là thế giới của đồng thoại. Tôi tin là thể loại này chắc chắn sẽ chinh phục được những đứa trẻ như nó đã từng chinh phục tôi khi còn thơ bé.
* Hai tác phẩm vừa ra mắt của chị, đều có chung nhân vật chính là mèo Lọ Nghẹ. Vì sao chị không gộp thành một tác phẩm dài hơi, để độc giả đọc... cho đã?
* Hai cuốn sách lần này đều có kết mở. Cho nên, tôi nghĩ mình vẫn có thể tiếp tục để có cuốn thứ ba, thứ tư, thứ năm… với những câu chuyện nối tiếp về cuộc đời của chàng soái ca mèo Lọ Nghẹ, và có thể xuất hiện những nhân vật mới nữa. Cũng lâu rồi tôi mới trở lại sáng tác, cho nên lần này tôi cũng muốn lắng nghe cảm xúc, phản ứng của độc giả, trong đó có phụ huynh, thầy cô giáo... rồi tiếp tục viết.
Với chuyện sáng tác, tôi luôn luôn đặt song song với việc làm báo của mình. Những lúc mệt mỏi, hoặc những lúc có thời gian thong dong, tôi lại dành cho sáng tác. Nó giống như mình làm việc rồi giải lao, và lúc giải lao chính là lúc tôi viết cho các em. Bởi vậy, khi hoàn thành, dẫu chỉ là một câu chuyện ngắn, có thể chưa thành một tập sách, tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc.
* Gần đây, không khí sáng tác và xuất bản sách dành cho thiếu nhi trong nước khá sôi động. Điều này có tác động đến việc sáng tác của chị?
* Thời gian gần đây, cả xã hội đều rất quan tâm đến vấn đề văn hóa đọc cũng như mảng văn học dành cho thiếu nhi. Rất nhiều cây bút trẻ nổi lên với nhiều tác phẩm dành cho các em, bên cạnh những cây đa cây đề xuất sắc. Chính điều này đã tạo nên không khí sôi nổi trên văn đàn, đặc biệt là mảng sáng tác cho thiếu nhi. Điều đó cũng thôi thúc, tạo hứng khởi và cho tôi thấy cần phải có trách nhiệm để đặt bút viết những tác phẩm dành cho các em.
* Quá trình làm làm báo và sáng tác cho thiếu nhi nhiều năm cho chị kinh nghiệm gì để có những trang viết bắt đúng tâm lý các em nhỏ?
* Cá nhân tôi không có công thức nào mà điều lớn nhất tôi thấy mình đã làm được, đó là làm bạn với các em. Giống như quá trình đi tác nghiệp, mình phải làm bạn với các em; khi các em đã coi mình là bạn, các em mới kể những câu chuyện, chia sẻ những bí mật cho mình biết. Và chỉ khi làm bạn với các em, mình mới hiểu được các em muốn gì, cần gì. Tôi cho rằng, mình chỉ có đúng điều đó thôi. Khi hiểu được các em rồi, tôi có thể dễ dàng thể hiện được câu chữ, ý tứ, cốt truyện đúng với tâm lý của các em trong trang viết của mình.