Tất cả những sự kiện lớn hay nhỏ của lịch sử đất nước trong 70 năm chiến đấu và xây dựng đều có sự đồng hành của âm nhạc Việt. “Cuộc trường chinh” của nền âm nhạc mới được bắt đầu từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với hành khúc Cùng nhau đi hồng binh của nhạc sĩ - liệt sĩ Đinh Nhu. “Âm nhạc đã cắm những mốc son lịch sử bằng âm thanh, ghi lại những năm tháng, những giờ phút hào hùng trên mỗi bước đi, mỗi chặng đường của cách mạng”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã khẳng định như vậy.
70 năm qua, âm nhạc Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc
Trong kháng chiến, nhạc sĩ trở thành chiến sĩ, bài ca là vũ khí. Có những nhạc sĩ đã dùng xương máu của mình viết nên những bài ca mà cho đến hôm nay, âm hưởng của nó vẫn khích lệ niềm tự hào, không chỉ riêng của giới âm nhạc mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Đã có hàng ngàn tác phẩm âm nhạc đủ thể loại, từ ca khúc, hợp xướng, kịch hát, kịch múa, nhạc kịch, hòa tấu, đến nhạc giao hưởng được ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, sau khi đất nước thống nhất năm 1975 và trong thời kỳ đổi mới, âm nhạc Việt Nam tiếp tục truyền thống của những thế hệ đi trước. Dòng chảy chính vẫn là dòng chính thống, gắn bó với mạch nguồn dân tộc, với vận mệnh của đất nước, ca ngợi cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng, ký ức về hai cuộc chiến tranh cách mạng, ngợi ca tuổi trẻ, tình yêu, thiên nhiên, hướng tới những giá trị nhân văn. Có những bài hát đã trở thành những mốc son của lịch sử như: Giải phóng Điện Biên sáng tác của Đỗ Nhuận, Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước tức Huỳnh Minh Siêng), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà)...
Đất nước thống nhất trọn vẹn nên sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài, giao lưu quốc tế của âm nhạc nước ta có những đặc điểm, xu thế, đòi hỏi mới. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam thực hiện việc tiếp thu và chuyển hóa nhạc Pop quốc tế cho phù hợp với thói quen thẩm mỹ của công chúng Việt Nam. Tiếp nhận và chuyển hóa trước hết trong sáng tác và biểu diễn bằng cách tăng cường âm hưởng dân gian - dân tộc trong giai điệu, hòa thanh và tiết tấu. Đây là hướng đi đúng được một số nhạc sĩ sáng tác nhạc nhẹ hiện đại Việt Nam đã khai thác và có những kết quả bước đầu như các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Diệp Minh Tuyền, Thanh Tùng, Phạm Minh Tuấn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ, Trương Ngọc Ninh, Phó Đức Phương, An Thuyên, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Từ Huy, Ngọc Khuê, Trương Tuyết Mai, Đức Trịnh, Văn Thành Nho, Phú Quang, Nguyễn Trọng Tạo... và lớp nhạc sĩ trẻ hơn như Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Bảo, Giáng Son, Tạ Quang Thắng…
Âm nhạc của mỗi dân tộc không hề bất biến mà có sự giao thoa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa âm nhạc thế giới. Ngày nay chúng ta tiếp xúc với hầu hết các nền văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng của thế giới, từ loại hình âm nhạc dân gian dân tộc, bác học hàn lâm đến âm nhạc đại chúng (Pop, Rock)… Song các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam luôn kiên định theo đường lối xây dựng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại; phát triển ba dòng âm nhạc: dân gian dân tộc, kinh điển - hàn lâm và âm nhạc đại chúng. Đây là hướng đi phù hợp với bước phát triển mới của đời sống âm nhạc. Cả ba dòng âm nhạc này đều gắn với phương châm đi lên từ dân tộc, tiến tới từng bước hiện đại, hội nhập với quốc tế, tức có sự hòa quyện giữa bản sắc dân tộc với nội dung nhân văn, tiến bộ của dân tộc trong thời đại mới.
Thu Hà (ghi)