Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM.
“Xương sống” phát triển kinh tế thành phố
Tham gia hội nghị, các nhà đầu tư đã đánh giá cao sự thành công của các KCX-KCN ở TPHCM. Ông Kheng Joo Un, Tổng Giám đốc Nhà máy First Solar Việt Nam, khẳng định, những điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư bao gồm chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực, hạ tầng... là cơ sở để tập đoàn đưa ra quyết định chọn KCN Đông Nam (huyện Củ Chi) để đặt nhà máy. Theo đó, năm 2017, Công ty First Solar Việt Nam đã đầu tư 1,06 tỷ USD để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất tự động hóa tấm pin năng lượng mặt trời, công nghệ màng mỏng có công suất 3,0GW. Đến năm 2022, tập đoàn đã tiếp tục rót thêm 60 triệu USD nhằm nâng cao năng lực sản xuất từ 15.000 module/ngày lên 20.000 module/ngày.
Còn ông Tsao Chung Hung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (TTC), cho biết, sau hơn 30 năm hình thành và hoạt động, TTC đã thu hút được 171 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và 78 doanh nghiệp trong nước. Hiện TTC cũng định hướng chuyển đổi dần KCN truyền thống thành KCN có giá trị gia tăng cao, bắt đầu bằng việc hình thành các cụm công nghệ cao và các ngành công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ. TTC sẽ tiếp tục đầu tư thêm vốn để xây các tòa nhà cao ốc, hình thành các trung tâm công nghệ, thu hút khoảng 10.000 lao động chất lượng cao đến làm việc.
Chuyển mình, bắt nhịp đà tăng trưởng
Ghi nhận những đóng góp trên, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định, kết quả đó đã thể hiện sự đồng tâm, gắng sức của tập thể nhiều thế hệ lãnh đạo, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên, người lao động, đặc biệt là những người dân thành phố đã nhường phần đất của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố xây dựng và phát triển các KCX-KCN. Bên cạnh những thành quả, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đã lưu ý, Ban Quản lý các KCX-KCN cần chuyển đổi để tạo ra những đột phá trong hoạt động của KCX-KCN; cần nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng mô hình KCN mới, phát triển một số KCN chuyên ngành; quy hoạch KCN phải gắn liền với quy hoạch phát triển khu đô thị nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp và người lao động. Cùng với đó, phải rà soát quy hoạch các KCX-KCN, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với định hướng phát triển của từng khu. Quan trọng hơn hết là cần chọn lọc, thu hút đầu tư các dự án đầu tư có quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và các ngành mũi nhọn.
Các doanh nghiệp trong KCX-KCN sử dụng công nghệ thâm dụng lao động cần chuyển hướng đầu tư sang sử dụng kỹ thuật cao, công nghệ cao. Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng hoàn thiện các hạ tầng xã hội (nhà lưu trú, ký túc xá công nhân, các trường mầm non, thiết chế văn hóa…) phục vụ người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, mới đây nhất, Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu cho thành phố là đến năm 2030 phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng và là nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Riêng đến năm 2045, thành phố là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng - nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc, nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Do vậy, các cơ quan chức năng của thành phố và Ban quản lý các KCX-KCN cần phải nhận diện rõ vị thế của TPHCM trong hoạt động phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng của vùng, khu vực và thế giới. Từ đó làm cơ sở để đề ra kế hoạch, chiến lược nhằm “bắt nhịp” xu hướng phát triển của thế giới.
Chia sẻ về những thành tựu đạt được tại hội nghị, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các KCX-KCN, cho biết, tính đến nay, thành phố có 17 KCX-KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900ha, đạt 64% diện tích quy hoạch; tỷ lệ lấp đầy đạt 77%. Hiện trung bình hàng năm các KCX-KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của TPHCM. Riêng về giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Các KCX-KCN nộp ngân sách nhà nước trung bình hơn 22.000 tỷ đồng/năm, chiếm 6% thu ngân sách thành phố. Sự hình thành và ngày càng lớn mạnh của các KCX-KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động. |
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, Bộ KH-ĐT cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với TPHCM phát huy các kết quả đạt được và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển KCX-KCN. Những kiến nghị về bất cập trong cơ chế sẽ được bộ ghi nhận và sớm trình các cấp để sửa đổi.
TPHCM là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc phát triển KCN gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu hút đầu tư. Nhiều cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước về KCN được Chính phủ sửa đổi, ban hành có xuất phát điểm từ thực tiễn phát triển các KCN của thành phố. Việc xây dựng và thu hút đầu tư vào các KCX-KCN có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương lân cận trong khu vực Đông Nam bộ như Long An, Bình Phước, Tây Ninh...
Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị thành phố cần nâng cao hiệu quả hoạt động các KCX-KCN hiện có. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại gắn với chuyển giao công nghệ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, dự án có giá trị gia tăng cao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với những KCX-KCN trong nội đô cần sớm nghiên cứu di dời và có phương án quy hoạch, phát triển các KCN tại khu vực xa đô thị trung tâm như huyện Bình Chánh, Củ Chi... Các KCN xây dựng mới cần theo mô hình KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế trong việc thu hút, hợp tác đầu tư.
* Cho vay tại KCX-KCN TPHCM tăng trưởng mạnh
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, sự phát triển của các KCX-KCN, doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN trên địa bàn TPHCM có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng TPHCM, đặc biệt là chương trình cho vay KCX-KCN và kết nối tháo gỡ khó khăn về vốn, ngoại hối cho doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN với ngân hàng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN phát triển tại TPHCM, trong 5 năm trở lại đây, dư nợ chương trình tăng trưởng bình quân 12%/năm và đến nay đạt 214.108 tỷ đồng, tăng nhiều lần so với dư nợ tín dụng những năm đầu tiên cho vay KCX-KCN (năm 2000 là 946 tỷ đồng, năm 2005 là 15.203 tỷ đồng và năm 2017 là 133.072 tỷ đồng). Không chỉ tăng trưởng tốt về tín dụng, các dịch vụ ngân hàng cũng phát triển mạnh, trong đó hầu hết cán bộ nhân viên, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCX-KCN đều đã sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận lương và thực hiện thanh toán, tiêu dùng…