Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Việt Nam

Nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm vào Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu tại TPHCM. 
Buổi lễ ra mắt Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu nông sản - thực phẩm Nhật Bản tại TPHCM
Buổi lễ ra mắt Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu nông sản - thực phẩm Nhật Bản tại TPHCM

Việc ra mắt nền tảng cũng cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm quan trọng của Nhật Bản.

Tham dự buổi lễ ra mắt Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu tại TPHCM có ông Yamaguchi Yasushi, Phó Cục trưởng phụ trách xúc tiến xuất khẩu Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản và ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Tokyo, JETRO TPHCM, các tổ chức của Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO, JICA, JNTO, Japan Foundation) và các doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu xây dựng cơ chế hỗ trợ về chuyên môn một cách bền vững dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại những quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản. Nền tảng này có sự tham gia của cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật Bản tại nước ngoài, Văn phòng đại diện JETRO tại nước ngoài và các nhân viên thường trú của Trung tâm Quảng bá nông lâm thủy sản, thực phẩm Nhật Bản (JFOODO) tại nước ngoài. 

Mục tiêu chính của nền tảng là tìm hiểu về tình hình lưu thông hàng hóa, nhu cầu thị trường, khai phá các mặt hàng mới cũng như tăng cường hỗ trợ việc mở rộng buôn bán sản phẩm tại nước ngoài. Hiện nay, Nhật Bản đã thiết lập các nền tảng hỗ trợ tại Mỹ (Los Angeles, New York), Thái Lan (Bangkok), Singapore, châu Âu (Paris, Pháp). Từ nay đến năm 2023, Nhật Bản dự định thiết lập nền tảng hỗ trợ tại 8 quốc gia, vùng lãnh thổ, từng bước gia tăng thêm tại các thị trường nhiều triển vọng.

Được thiết lập tại TPHCM, nền tảng liên kết các doanh nghiệp nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm từ Nhật Bản vào Việt Nam, soạn thảo các báo cáo về thị trường Việt Nam, khai phá các mặt hàng mới… từ đó xúc tiến việc xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm Nhật Bản. Nhật Bản hy vọng thông qua nền tảng này để xúc tiến quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các mặt hàng mà Nhật Bản có thế mạnh.

Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của 4 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, giữa hai nước có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản, thực phẩm.

Việc triển khai nền tảng hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam và các quốc gia cho thấy Chính phủ Nhật Bản đang kỳ vọng đạt được mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu nông sản, thực phẩm lên khoảng 44 tỷ USD vào năm 2030, tức gấp khoảng 5 lần so với kim ngạch xuất khẩu hiện nay. Nhật Bản có 47 tỉnh, thành, mỗi khu vực đều có đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Mỗi địa phương đều tận dụng triệt để điều kiện thuận lợi để tạo ra những sản phẩm có một không hai, xây dựng thương hiệu mạnh cho thị trường nông sản. Sự hỗ trợ của chính phủ thông qua việc thiết lập các nền tảng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, cùng với cơ chế sản xuất và phân phối thống nhất đối với từng mặt hàng, đã tạo thêm nhiều điều kiện để Nhật Bản tiếp tục mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục