Nhiệm vụ mới, tiếp cận mới

Không ít lần, để tóm gọn “linh hồn” Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói, đó là nghị quyết hành động, là chìa khóa để mở các cánh cửa nhằm khơi thông nguồn lực xã hội. Tính hành động bao hàm cả năng lực tổ chức và vận hành để hiệu quả cuối cùng là những thành quả cụ thể “chuyển giao” cho người dân thụ hưởng.

Một trong những sản phẩm đầu tiên là vào ngày 1-1-2024, Sở An toàn thực phẩm TPHCM chính thức vận hành. Đây sẽ là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành.

Ngoài “khai sinh” một số đơn vị, chức danh mới thì việc tăng cường, bổ sung những đơn vị vốn đã có sẵn ở sở, ngành nhưng vừa quá tải vừa thiếu tính chuyên biệt đối với các đầu việc từ việc vận dụng Nghị quyết 98 cũng được tính đến. Điển hình là ngày 23-11 vừa qua, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành GTVT thuộc UBND thành phố.

Thực tế, hiện thành phố có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Do đó, với “đơn hàng” từ Nghị quyết 98, nếu vẫn chỉ duy trì một ban quản lý dự án chuyên ngành như Ban giao thông sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành dự án, rất khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ lẫn chất lượng dự án…

Cũng như cần xây dựng và triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM để phục vụ cho mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số mà chủ lực là Sở TT-TT với nhiệm vụ lập thành 3 nhóm dữ liệu chính: nhóm dữ liệu về người dân, nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp và nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị.

Quá trình triển khai, kể cả quy trình tổ chức, lộ trình thực hiện và vận hành như thế nào đều cần “đồ thị hóa” trong thực tế, được truyền thông cụ thể, công khai đến người dân bởi công dân thành phố là thành tố của cả mục tiêu và giám sát dự án, chương trình.

Cuối cùng, để khơi thông được nguồn lực xã hội trước hết phải tập hợp, quy tụ được nội lực và năng lực xã hội của nhiều thành phần, đối tượng, trong đó giới trí thức, chuyên gia, nhà khoa học; giới doanh nhân, các tổ chức doanh nghiệp là “lực đẩy” trọng tâm.

Khi đã tập hợp được sức mạnh xã hội thì chính nó sẽ đóng vai trò là “dòng chảy” chủ lưu để vận hành bản nghị quyết trong thực tiễn. Với tinh thần hình thành nên các nhóm liên minh hành động (alliance for action - AFAS) sẽ kích hoạt không chỉ nguồn lực - vật chất mà còn tài nguyên - sự đồng thuận, hợp tác và trách nhiệm công dân trong toàn xã hội.

Trong chiến lược xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở tầm vóc quốc gia, lãnh đạo thành phố cũng đã và đang cho thấy trước khi “liên minh hành động” là thái độ minh định quan điểm “mọi thứ đều có sự đánh đổi nhưng đánh đổi thế nào để hài hòa, hướng đến lợi ích cao nhất, tạo ra tác động tiêu cực ít nhất thì cần tính đến” như lời phát biểu của người đứng đầu chính quyền thành phố.

Một nguyên tắc tối thiểu, để liên minh hành động thì trước hết và sau cùng là liên minh về nhận thức, thái độ để cùng thống nhất về phương thức, vận hành. Với người dân, mọi liên minh hành động đều nên minh bạch và chân thành ngay từ đầu, trước cả lập bản vẽ tiền quy hoạch… Và đó là một phần trong “bài học” nhiệm vụ mới, cần tiếp cận mới; cả về nội dung lẫn cách thức truyền tải nội dung đó ra công chúng số đông!

Tin cùng chuyên mục